Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết nhiều dự án trọng điểm dự kiến khởi công trong năm nay đều không kịp triển khai. Theo vị này, nguyên nhân chủ yếu là vì dịch COVID-19 ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Bốn dự án không kịp khởi công trong năm nay
Trước đó, báo cáo về tiến độ các dự án trọng điểm, Sở GTVT TP cho biết dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ khởi công bốn dự án, trong đó có hai dự án giải tỏa ùn tắc khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình).
Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội
(giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa chưa thể triển khai trong năm nay.
Ảnh: NGUYỆT NHI
Cụ thể là dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa. Theo Sở GTVT TP, UBND TP đã chấp thuận chủ trương cho UBND quận Tân Bình khẩn trương tiến hành công tác thu hồi, bồi thường theo giá đất trước đây đã được phê duyệt.
Dự án thứ hai là cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long. Cả hai dự án dự kiến hoàn thành công tác bồi thường GPMB và khởi công trong quý IV-2021. Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT TP cho biết cả hai dự án đều không kịp khởi công trong năm nay.
Tương tự, dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ vành đai 2 đến đường vào Khu công nghiệp Phú Hữu (TP Thủ Đức) cũng chưa thể khởi công trong năm nay.
Hiện dự án đang lập thủ tục lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm tra và tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình. Dự án này phải thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí bồi thường GPMB. Hiện cơ quan chức năng đang phối hợp với UBND TP Thủ Đức chuẩn bị kế hoạch GPMB làm cơ sở lập điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Cuối cùng là dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM, dự án nhằm xây dựng tuyến xe buýt nhanh số 1 (tuyến BRT số 1) trên đường Võ Văn Kiệt. Đây là dự án BRT đầu tiên ở TP.HCM dự kiến khởi công trong tháng 9 nhưng đến nay vẫn án binh bất động.
Về dự án này, hiện Bộ Tài chính đang tham mưu cho Thủ tướng báo cáo Chủ tịch nước chấp thuận điều chỉnh hiệp định vay vốn và Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ngân hàng Thế giới thông báo chính thức về điều chỉnh hiệp định vay vốn. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đang hoàn tất hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán dự án.
Tiếp tục đẩy nhanh giải phóng mặt bằng
“Đối với nhóm dự án (bốn dự án trên) đã duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, kiến nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng trống cho chủ đầu tư” - Sở GTVT TP nêu trong văn bản báo cáo UBND TP mới đây.
Sở GTVT TP cũng cho rằng trong thời điểm hiện nay, TP đang thực hiện Chỉ thị 16 về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 nên việc bố trí nhân lực thi công xây dựng các công trình cũng gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, công tác triển khai thực hiện một số việc liên quan đến bồi thường GPMB (tiếp xúc, đối thoại với các hộ, cá nhân có đất bị thu hồi trong dự án) gặp nhiều khó khăn. Việc này đã dẫn đến chậm tiến độ thực hiện công tác bồi thường GPMB, chậm tiến độ thi công xây dựng công trình.
Góp ý thêm về dự án tuyến BRT số 1, GS-TS Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam, cho rằng cần lấy kinh nghiệm về các dự án BRT ở Hà Nội hiện nay triển khai không đạt hiệu quả để TP.HCM có tính toán hợp lý hơn.
“Tôi nghĩ cần xem xét kỹ bởi sau này khi dự án đi vào hoạt động, khai thác không hiệu quả thì người dân và Nhà nước đều chịu thiệt hại. Ở Việt Nam, thói quen của người dân vẫn là sử dụng phương tiện cá nhân rất nhiều nên chúng ta phải tính toán thật kỹ với BRT” - ông Phong cho biết thêm.
Tuyến BRT số 1: Đầu tư khoảng 3 triệu USD/km Tuyến BRT số 1 đầu tiên sẽ hoạt động dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (qua địa bàn TP Thủ Đức, các quận 1, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh) với suất đầu tư khoảng 3 triệu USD/km. Dự án được dự kiến khởi công vào đầu tháng 9-2021. Thời gian dự kiến hoạt động thương mại vào cuối năm 2022. Tuyến BRT số 1 ở TP.HCM dài 26 km với điểm đầu tại nút giao An Lạc (quận Bình Tân) kết nối vào ga Rạch Chiếc (TP Thủ Đức) của tuyến metro số 1, kết nối đến trạm trung chuyển Hàm Nghi và Chợ Lớn (quận 1) để tăng tính kết nối với hệ thống xe buýt hiện hữu. Mỗi xe buýt BRT có sức chứa 60-72 hành khách, sàn xe cao 30 cm, tổng số lượng xe đầu tư giai đoạn đầu là 42 chiếc và tổ chức làn đường dành riêng bằng cách bổ sung dải phân cách bê tông. Để tăng cường khả năng tiếp cận trên tuyến, trong thành phần dự án đầu tư 19 cầu bộ hành trong tổng số 28 trạm; bố trí tám bãi đỗ xe máy cá nhân xung quanh khu vực trạm dừng, nhà ga. |