Theo chuyên gia kinh tế, nếu Trung Quốc được chấp nhận gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hàng hoá của Việt Nam và các quốc gia trong CPTPP sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu của Trung Quốc và tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam bán tại Trung Quốc.
Có lợi cho xuất khẩu hàng hoá
Ngày 16.9, Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong CPTPP hiện gồm 11 nước: Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
Việc Trung Quốc làm đơn xin gia nhập CPTPP, các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ có nhiều cơ hội, song cũng không ít thách thức chohàng hoá, thương mại của các nước trong CPTPP.
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, hàng hoá của Việt Nam và các quốc gia trong CPTPP sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu của Trung Quốc và tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam bán tại thị trường khổng lồ này.
"Khi bán hàng cho Trung Quốc mà không phải chịu thuế nhập khẩu thì đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, để cạnh tranh với các đối tác khác của Trung Quốc. Khi doanh nghiệp Việt Nam không phải chịu thuế nhập khẩu vào Trung Quốc, chúng ta có thêm cơ hội tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu", ông Hiếu nói.
Những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi Trung Quốc gia nhập CPTPP, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu - đó là nhóm hàng nông thuỷ sản. Bởi hiện nay, nhóm hàng này phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Phân tích về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Châu Á chiếm 41,5% thị phần; Châu Mỹ chiếm 31,3%; Châu Âu chiếm 11,3%; Châu Phi chiếm 1,9%; Châu Đại Dương chiếm 1,5% thị phần.
Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trong 8 tháng của Việt Nam đạt gần 6,1 tỉ USD (chiếm 18,9% thị phần), với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 25,5% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này. Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục tăng cường xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.
Tiếp đến là hàng điện tử, hàng tiêu dùng cũng được hưởng lợi nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP. Đây đều là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thách thức nào cho doanh nghiệp Việt Nam ?
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP, thuận lợi có nhưng thách thức cũng không ít. Thứ nhất, hàng nội địa của doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt với hàng hoá của Trung Quốc bán tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang nhập siêu với Trung Quốc và có thể trong tương lai cán cân thương mại lợi thế sẽ nghiêng về phía Trung Quốc.
"Điều này được chứng minh rất rõ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát thời gian vừa qua. Khi Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hàng hoá của Việt Nam cũng rất khó khăn bởi nguồn cung bị đứt gãy.
Nguồn cung bị đứt gãy đã tác độngtiêu cực đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, sự lệ thuộc về nguồn cung nguyên liệu vào một quốc gia sẽ làm tăng mức độ rủi ro về thương mại cho Việt Nam", ông Hiếu nói.
Chính vì vậy, ông Hiếu cho rằng, Việt Nam cần phân bổ rủi ro bằng cách đa dạng thương mại hóa thị trường nhập khẩu của mình, tập trung chiếm lĩnh thị trường nội địa, cải thiện chất lượng sản phẩm, hàng hoá để tạo tính cạnh tranh trên thị trường.
"Trường hợp nếu Trung Quốc tham gia CPTPP, chúng ta làm được việc giảm tỉ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc và chuyển sang các quốc gia khác thì Việt Nam sẽ giảm thiểu được rủi ro", ông Hiếu phân tích.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt-Trung đạt 133,1 tỉ USD, tăng 13,82% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 48,9 tỉ USD, tăng 17,95%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 84,18 tỉ USD, tăng 11,55%.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc đạt 91,41 tỉ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 28,54 tỉ USD (tăng 23,25%) còn nhập khẩu đạt 62,86 tỉ USD (tăng 49, 87%). Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN.