Cuộc biểu tình tại thành phố Dublin, Ireland, trong tháng 9-2021 vì cuộc khủng hoảng tài chính do bong bóng nhà đất gây ra - Ảnh: BLOOMBERG
Trong bài viết ngày 20-9, Hãng tin Bloomberg cảnh báo cả giá thuê và bán nhà ở nhiều thành phố trên thế giới đang tăng nhanh trong đại dịch.
Chi phí nhà ở tăng cao đang trở thành một trong những nhân tố khiến sự bất bình đẳng ngày một sâu sắc, đe dọa cả một thế hệ trẻ hiện nay có thể bị bỏ lại phía sau.
Thị trưởng thành phố Berlin (Đức), ông Michael Mueller, cho biết ở các thành phố hiện nay có tình trạng nhiều người dân không thể sống tại khu vực mong muốn vì không đủ tiền chi trả.
“Đó là vấn đề của London (Anh), Paris (Pháp), Rome (Ý), và không may là cả ở Berlin”, ông Mueller nói.
Tình trạng trên khiến vấn đề nhà đất trở thành bài toán mới cho giới chính trị. Công đoàn Verdi của Đức ví von giá thuê nhà trong thế kỷ 21 với giá bánh mì trong quá khứ - ngòi nổ cho một loạt bất ổn xã hội trong lịch sử.
Dường như chưa quốc gia nào tìm được lời giải phù hợp cho bài toán này.
Tại Hàn Quốc, giá căn hộ ở Seoul đã tăng 90% kể từ khi Tổng thống Moon Jae In nhậm chức hồi tháng 5-2017. Ứng viên đến từ đảng cầm quyền của Tổng thống Moon (Đảng Dân chủ) cũng đã đánh mất ghế thị trưởng Seoul trong năm nay vì vấn đề này.
Ứng viên tranh cử ghế tổng thống Hàn Quốc năm 2022 của đảng đối lập cũng cảnh báo thị trường nhà ở sẽ sụp đổ trong bối cảnh lãi suất tiếp tục tăng.
Tại Trung Quốc, chính quyền đã ban hành một loạt quy định dành cho ngành bất động sản trong năm nay.
Tới tháng 7-2021, chi phí cho một căn hộ tại Thâm Quyến - thành phố được xem là Thung lũng Silicon của Trung Quốc - cao gấp 43,5 lần so với mức lương trung bình của một cư dân thành phố.
Giới chuyên gia cho rằng giá nhà quá cao cũng là lý do khiến Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh mục tiêu “thịnh vượng chung” trong thời gian qua.
Tại Mỹ, khoảng cách giữa thế hệ Baby Boomers - những người sinh ra trong giai đoạn 1946-1960 - và những người sinh từ những năm 1980 trở đi ngày một tăng. Nhiều người trẻ Mỹ cảm thấy việc mua nhà đang dần trở nên xa xỉ.
Theo giám đốc điều hành Don Layton của tập đoàn cho vay thế chấp Freddie Mac, giá danh nghĩa (mức giá cả quan sát được trên thị trường, hay còn gọi là giá cả hiện hành) của nhà ở tại Mỹ đã cao hơn 30% so với các mức đỉnh điểm vào giữa những năm 2000.
Các chính sách nhằm cải thiện khả năng chi trả và khuyến khích mua nhà có nguy cơ đẩy giá nhà tăng cao, khiến những người lần đầu tiên mua nhà chịu nhiều áp lực hơn.
Đại dịch đã khiến thị trường nhà ở toàn cầu đạt được những mức giá cao kỷ lục trong 18 tháng qua. Đó là vì tình trạng lãi suất cực thấp, số công trình nhà ở ít đi, sự thay đổi trong chi tiêu hộ gia đình và số nhà ở được rao bán ngày càng ít.
Bloomberg nhận định bối cảnh này chỉ giúp cho những chủ nhà hiện nay có cơ hội đẩy cao giá, và khiến người có nhu cầu nhà ở rơi vào cảnh khó khăn hơn.
TTO - Hãng tin Bloomberg nhận định các nước Đông Nam Á đã dần nhận ra họ không thể tiếp tục chịu đựng gánh nặng kinh tế từ các biện pháp chống dịch, dù tình hình dịch COVID-19 ở đây vẫn đang phức tạp nhất thế giới.
Xem thêm: mth.37672243102901202-coun-ueihn-o-iov-ax-gnac-yagn-ahn-aum-om-caig-neihk-hcid-iad/nv.ertiout