Tại toạ đàm “Nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp” do VnEconomy tổ chức sáng 20/9, các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách đều đánh giá cao sự đóng góp của gần 400 khu công nghiệp (KCN) khắp cả nước vào kinh tế nước nhà.
Song, sự phát triển bền vững của các KCN hay sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội, môi trường lại chưa được đánh giá cao. Về cơ bản, các KCN Việt Nam chủ yếu vẫn phát triển theo hướng đa ngành, thiên về tạo ra quỹ đất để kêu gọi các doanh nghiệp thuê sản xuất kinh doanh.
Quy hoạch tốt mới thu hút được nhà đầu tư tốt
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Bùi Ngọc Hải – Phó Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Hải Phòng thành lập KCN Nomura với diện tích 150ha vào năm 1994 nhờ liên doanh với đối tác Nhật Bản, đây cũng chính là KCN đầu tiên của miền Bắc.
Ngoài ra, Hải Phòng có bài học lớn từ thu hút LG vào KCN Tràng Duệ. Bước đầu, Thành phố này thu hút LG đầu tư 1,5 tỷ USD vào năm 2013, và tiếp tục thu hút các doanh nghiệp khác của Tập đoàn này như LG Display… với số vốn 4,6 tỷ USD. Đến nay tổng số vốn đầu tư vào KCN này đã lên đến khoảng 8,2 tỷ USD và hình thành một KCN chuyên ngành điện tử.
Theo chia sẻ của ông Hải, địa phương phải thay đổi tư duy không chỉ thu hút hợp tác đầu tư nước ngoài mà phải hài hoà lợi ích trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
“Điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta kỳ vọng phát triển theo xu hướng chất lượng hơn, khả năng ứng phó với bất thường linh hoạt hơn, bền vững hơn. Đây là xu hướng chung và xu hướng nào thì cũng cần lực lượng dẫn dắt. Vậy cái gì sẽ dẫn dắt?”, ông Hải đặt vấn đề và cho rằng, yếu tố dẫn dắt đầu tiên và quan trọng nhất đó là quy hoạch.
Ông Hải cho rằng, việc quy hoạch độc lập từng thực thể không còn phù hợp, thay vào đó phải quy hoạch cả khu, ít nhất là cả thành phố để có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau.
“Khâu quy hoạch là vô cùng quan trọng. Quy hoạch tốt thu hút được nhà đầu tư tốt. Quy hoạch là nguồn lực của nguồn lực, quyết định sự thành công của khu công nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh.
Yếu tố thứ hai ông chỉ ra là câu chuyện về chính sách thu hút và yếu tố thứ ba là phải có doanh nghiệp dẫn dắt xu hướng.
“Muốn đi theo hướng nào thì ta phải lựa chọn được doanh nghiệp dẫn dắt xu hướng đó để đi. Với điều kiện của Hải Phòng hiện nay, chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể chuyển đổi nhanh theo những xu hướng mới. Đó là hình thành một hệ sinh thái, không chỉ KCN mà xung quanh đó là những cụm công nghiệp liên hoàn để hỗ trợ nhau”, Phó Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho hay.
Bà Vũ Thu Hằng – Giám đốc kinh doanh TNI Holdings Việt Nam cũng cho biết, việc phát triển KCN đô thị dịch vụ quan trọng nhất vẫn là sự gắn kết và tương tác hỗ trợ.
Vị này nhìn nhận phần đô thị dịch vụ phải có ảnh hưởng, hỗ trợ, tương tác được cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN. Hay những chuyên gia, công nhân, người sử dụng dịch vụ trong KCN, họ có được hưởng lợi từ những đô thị dịch vụ gắn liền với KCN hay không.
“Điểm tắc” khi luật chưa đồng bộ
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong những năm qua, các KCN, khu chế xuất đã thu hút được 9.381 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%. Hoạt động của các KCN rất sôi động, tỉ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 75%.
Có thể thấy, nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam ngày càng tăng, chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới Việt Nam. Song, nhiều vấn đề liên quan đến luật chưa đồng bộ chính là điểm nghẽn khiến các nhà đầu tư có phần e ngại.
Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty Shinec cho biết, hiện nhiều đơn vị doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong các luật.
“Luật Đầu tư cho phép miễn giảm thuế nhưng Luật Thuế lại không. Hoặc Luật Xây dựng, nếu định dạng KCN đô thị, sinh thái nhưng Nghị định 82 lại đưa ra KCN phải có điều kiện hạ tầng tốt, dịch vụ thiết yếu cho người lao động, mà các dịch vụ này lại vi phạm Luật Nhà ở, Luật Xây dựng. Chỗ nào cũng vướng, doanh nghiệp rất khổ. Vì thế, muốn thu hút được các nhà đầu tư xây dựng KCN thì tất cả các luật phải tích hợp được với nhau”, ông Điệp nói.
Vị này tiếp tục chỉ ra, Nghị định 82 quy định các tỉnh, thành phố phải lấp đầy KCN trên 60% mới được tiếp tục xin dự án KCN mới.
“Nhưng phải hiểu mỗi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng có một cách làm, thu hút khác nhau. Quy định vậy thì ảnh hưởng toàn bộ phát triển hạ tầng, ảnh hưởng đến thành phố và địa lý. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì chúng ta đã có luật yêu cầu thu hồi rồi”, ông Điệp chỉ ra.
Đồng quan điểm, bà Vũ Thu Hằng cho rằng, với quỹ đất rất lớn của KCN bắt buộc phải đền bù theo giai đoạn, cũng như chia nhỏ thành từng phần, nhưng bởi vì hành lang pháp lý cũng như quy trình đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay còn rất nhiều vướng mắc, dẫn đến việc phải kéo dài tiến trình.
Theo bà Hằng, việc kéo dài tiến trình giải phóng mặt bằng và các thủ tục pháp lý để đảm bảo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư là những thách thức và tạo áp lực rất lớn.
“Đặc biệt trong thời gian vừa qua, dù có nhiều đơn hàng, nhà đầu tư đến nhưng chính vì không thể đảm bảo đúng tiến độ về giải phóng mặt bằng, quỹ đất sạch mà đã đánh mất nhiều cơ hội”, bà Hằng chia sẻ.
Mô hình KCN "may đo" là lựa chọn xu thế mới
Sau những chia sẻ của các nhà đầu tư, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) thừa nhận những ý kiến là thực tế và có cơ sở.
"Có những dự án đầu tư mới có quy mô 200 - 300 triệu USD muốn vào, nhưng lại không có “đất sạch” sẵn sàng cho họ xây dựng nhà máy, muốn có thì phải chờ rất lâu, nên bỏ phí cơ hội", ông Thắng nói
Ông cũng đánh giá “khoảng cách” từ chính sách đến thực tiễn còn rất xa khi thiếu việc “tích hợp” giữa các luật với nhau.
“Đây là câu chuyện được bàn tới quá nhiều nhưng vẫn chưa biến chuyển, đã hạn chế rất nhiều tiềm năng phát triển của đất nước”, ông Thắng nói và cho rằng, chính sách phải gắn với quy hoạch, quy hoạch thể hiện chính sách, đừng ra một chính sách mà 3 - 4 năm sau không thể triển khai được, hoặc ảnh hưởng đến các quy định hiện có.
Cũng theo nguyên Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài, hiện nay, các mô hình phát triển KCN đang theo phương thức đa lĩnh vực, chưa chuyên sâu, khả năng cạnh tranh sản xuất trong công nghiệp chế biến, chế tạo kém.
Do đó, việc phát triển các KCN trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 50 về hình thành các hệ thống KCN mới, các mô hình mới theo dạng mô hình “may đo”. Nghĩa là áp dụng từng mô hình phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam.
“Việt Nam phải đa phương hoá trong thời gian tới để đảm bảo sự cân bằng của các nhà đầu tư ở Việt Nam, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế nhưng phải giữ vững được an ninh quốc phòng. Chứ đừng vì mục tiêu phát triển KCN mà phải cạnh tranh bằng mọi giá thu hút vốn nước ngoài”, ông nói.
Ông Vũ Anh Tú – Vụ phó Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, trong quá trình phối hợp rà soát, điều chỉnh Nghị định 82, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cân nhắc về việc làm rõ hơn một số loại hình KCN.
Theo ông Tú, đã có dự thảo quy định mới thay thế Nghị định 82, đề cập đến một số mô hình KCN mới xuất hiện như các KCN chuyên sâu, chuyên ngành…. Ngoài ra, ông còn đề xuất 3 ý tiếp cận từ phía Bộ Xây dựng.
Trong đó, tiếp tục rà soát hoàn thiện bổ sung chính sách, văn bản pháp luật đảm bảo gắn đồng bộ quy hoạch phát triển KCN gắn với phát triển khu đô thị trong một phương án tổng thể, thống nhất giữa các quy hoạch quốc gia gắn với phát triển kinh tế địa phương.
Thứ hai, rà soát, hoàn thiện bổ sung quy định pháp luật về đầu tư xây dựng KCN phù hợp với từng loại hình sản xuất và từng thời kỳ. Nếu quy định về Luật Đầu tư, Luật Đất đai mà còn khó khăn, vướng mắc thì phải điều chỉnh hoàn thiện.
Thứ ba, xây dựng hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn về quy mô, cấu trúc sử dụng đất hạ tầng kỹ thuật trong KCN.