Việc này được kì vọng sẽ giải tỏa bớt áp lực nhu cầu hàng hóa của người dân.
Với các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng ăn uống mở cửa hoạt động, chi phí logictics những ngày qua cũng khiến họ quan tâm bởi giá cả hàng hóa biến động cộng với phí shipper cao như hiện nay.
Bà Nguyễn Thanh Thiệu An, Giám đốc Điều hành, Công ty Cổ phần P.A.C.C, cho biết: "Chi phí nguồn cung thay đổi mỗi ngày, về hàng hóa chúng tôi cũng không chủ động được. Ngay cả logistics điều phối hàng từ điểm A đến điểm B, giá logistics không có barem gì cả, 2 yếu tố nằm ngoài phần kiểm soát của doanh nghiệp".
Theo các đơn vị cung ứng dịch vụ giao hàng, tuy lượng tài xế tăng mạnh nhưng vẫn chưa tải hết nhu cầu thực tế từ thị trường do vậy giá dịch vụ chưa thể hạ nhiệt ngay.
Ông Đặng Hoàng Linh, Giám đốc Chính sách công và Quan hệ Chính phủ, Go Jek Việt Nam, nói: "Trong vài ngày tới, khi sự thống nhất thông tin và hoạt động giữa các bộ phận và ban ngành tốt hơn, tình trạng này sẽ được cải thiện và giá cả được điều chỉnh hợp lý hơn".
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh thống kê, thành phố hiện có hơn 82.000 shipper. Đội ngũ này đã tải hơn 543.000 đơn hàng, tăng gần gấp đôi so với thời điểm chỉ có 20.000 shipper hoạt động. Dự kiến, con số sẽ còn tăng nên ngành Công Thương sẽ phối hợp với Y tế để tạo thuận tiện cho việc hoạt động.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Sở Công Thương cũng đã chính thức đề nghị Sở Y tế hỗ trợ công tác xét nghiệm với định mức khoảng 90.000 shipper".
Theo chia sẻ của nhiều người dùng, trong ngày 20/9, việc đặt hàng trên một số ứng dụng đã dễ hơn. Tuy nhiên, mức phí vẫn còn cao. Trước đó, Sở Công Thương thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp áp dụng mức giá dịch vụ giao nhận hàng hóa ngang bằng với mức giá trong khung giờ bình thường và không áp dụng mức giá giờ cao điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!