Việc Chính phủ ban hành Nghị Quyết 105 nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường là khá thức thời. Bởi, khi các tỉnh, thành phố duy trì Chỉ thị 15 và 16 trong suốt thời gian dài; các nguồn lực và thành tựu xây dựng được trong những năm gần đây có nguy cơ tan vỡ.
Mở cửa trở lại một số hoạt động sản xuất, kinh doanh theo lộ trình
Việc nỗ lực đưa nền kinh tế tái khởi động trở nên cần thiết hơn bao giờ hết khi các gói cứu trợ, kích cầu, các tác động của Chính phủ không thể nào thay thế được bàn tay vô hình của thị trường trong việc điều hành cung - cầu. Sự tự do kinh doanh, mở cửa trở lại một số hoạt động sản xuất và kinh doanh theo lộ trình là lựa chọn sáng suốt tại thời điểm này.
Nghị quyết 105 chạm đến rất nhiều vấn đề từ lao động, vốn, sức khỏe của doanh nghiệp cũng như người tham gia sản xuất và kinh doanh.
Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương nhưng các chỉ đạo chủ yếu ở cấp độ vĩ mô và hướng dẫn chung. Vì vậy, đây mới là điều kiện cần chứ chưa đủ để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh yên tâm tái khởi động. Cần những văn bản hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan được ban hành sớm.
Cần chính sách cá biệt hóa hướng tới nhu cầu của từng đối tượng
Hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp đối diện với những nhu cầu và khó khăn khác nhau trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, dựa trên nghiên cứu về Hộ kinh doanh phi nông nghiệp của Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR), Viện Đào tạo & Nghiên cứu của BIDV và Viện Friedrich Naumann Foundation thực hiện đầu năm 2021, sau các làn sóng COVID-19 năm 2020, nhu cầu về duy trì dòng tiền thông qua tiếp cận vốn, giảm gánh nặng thuế là những ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, nhiều hộ tham gia khảo sát cho biết hỗ trợ của nhà nước về khoa học công nghệ là cần thiết để thay đổi hoặc tối ưu các nguồn lực. Tuy nhiên, lao động không phải vấn đề lớn với các hộ kinh doanh.
Với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là nhóm FDI, các vấn đề về lao động lại gây ra nhiều khó khăn. Đơn cử như việc duy trì ba tại chỗ cho lao động trong thời gian COVID-19 thực sự khiến doanh nghiệp tốn kém trong việc sắp xếp cơ sở vật chất, hoàn thành các thủ tục đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Đối với hợp tác xã, việc duy trì cung ứng các đầu vào sản xuất cũng như vận chuyển hàng hóa từ đơn vị sản xuất đến phân phối cần được duy trì ở mức độ cao, đảm bảo lưu thông tốt giữa các địa phương, bất kể thuộc vùng xanh hay vùng đỏ. Tính thời điểm trong thu hoạch và sản xuất cũng cần được quan tâm để lao động có thể tham gia sản xuất tập trung với hiệu suất cao, đặc biệt tại các hợp tác xã chuyên nông sản.
Vậy nên, sẽ hợp lý hơn nếu có những chính sách cá biệt hóa hướng tới nhu cầu của từng đối tượng. Cao hơn, chính sách nên dựa trên những nghiên cứu với địa bàn và đối tượng cụ thể để đảm bảo giải quyết đúng, đủ các nhu cầu của mọi thành phần kinh tế.
Hiểu đặc điểm của địa phương và ngành hàng: Yếu tố tiên quyết khi xây dựng chính sách
Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại khu vực miền Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt với nhóm sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu là vô cùng cần thiết ở thời điểm này.
Bất kể doanh nghiệp có quy mô lớn hay nhỏ đều đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến vận tải và bảo quản hàng hóa. Nguyên nhân do các hàng hóa lương thực thực phẩm, đặc biệt ở dạng tươi sống, organic v.v... chỉ có thể bảo quản trong thời gian ngắn và dưới các tiêu chuẩn nhất định về độ ẩm, nhiệt độ, cách thức đóng gói, tương ứng với từng thị trường thu mua.
Chỉ tính riêng với thị trường trong nước, lệnh giãn cách và các thủ tục mới để lưu thông hàng hóa đến thị trường đông đúc nhất cả nước là TPHCM đã đẩy giá vận chuyển lên mức cao. Ngoài các chi phí vận tải đường thủy hoặc bộ như thông thường, các doanh nghiệp phải trả thêm phí xét nghiệm, đăng ký luồng xanh hoặc các chi phí cách ly trong trường hợp rủi ro.
Chưa kể, một số các điểm giao thông trọng yếu như Cần Thơ với những thủ tục hà khắc, khiến chi phí quản lý rủi ro tăng mạnh, nguy cơ hư hỏng hàng do nhiều ngày chờ đợi được lưu thông tại các chốt.
Với các doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu, tình hình vận tải cũng không khả quan kể từ đợt thiếu các container rỗng vừa qua cũng như chi phí vận chuyển đến các cảng lớn như Cái Mép, Cát Lái tăng cao, trong khi hợp đồng đã được ký từ nhiều tháng trước đó.
Việc hạn chế tối đa các thủ tục trong lưu thông hàng hóa giữa các địa phương với nhau hoặc từ địa phương đến các cảng xuất nhập khẩu lớn của cả nước là một trong những ưu tiên lớn trong thời điểm này để duy trì lợi nhuận từ các đơn hàng vốn dĩ đã khan hiếm của doanh nghiệp.