Khủng hoảng thanh khoản của nhà phát triển bất động sản nặng nợ nhất thế giới đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu. Giới chuyên gia nói rằng quả bom nợ này có thể khuấy động kinh tế thế giới.
Nhưng các chuyên gia cũng nhận định chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ kiềm chế vấn đề trước khi Evergrande đả thương hệ thống ngân hàng, và rủi ro của Evergrande được cho là sẽ không lây lan ra thị trường tài chính toàn cầu.
Câu hỏi quan trọng đối với nhà đầu tư là các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh định khi nào và làm thế nào để đối phó với tình hình căng thẳng hiện nay và liệu có buộc Evergrande tái cấu trúc hay không.
Nhà đầu tư lo ngại Bắc Kinh có thể để cho công ty sụp đổ, gây thiệt hại cho cổ đông và trái chủ trong nước. Evergrande đối mặt với kỳ hạn thanh toán lãi cho trái phiếu trong nước vào ngày 23/9. Tuần trước, công ty thừa nhận đang trải qua những khó khăn chưa từng có.
Ông Jimmy Chang, Giám đốc đầu tư tại Rockefeller Global Family Office cho biết: "Mọi người đều đang kỳ vọng rằng chính phủ sẽ có giải pháp nào đó, vì Evergrande là công ty quan trọng về mặt hệ thống. Evergrande có 300 tỷ USD nợ chưa thanh toán. Rủi ro sẽ lan rộng nếu cuộc khủng hoảng Evergrande không được giải quyết. Tôi nghĩ cuối cùng thì công ty sẽ bị tiếp quản bởi một doanh nghiệp nhà nước lắm tiền".
Các chuyên gia thị trường không nghĩ rằng Evergrande có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng có thể tạo ra thêm nhiều biến động.
Ông Rick Rieder, Giám đốc đầu tư chứng khoán có thu nhập cố định tại BlackRock chia sẻ với CNBC: "Khó có thể hiểu về Trung Quốc vì hệ thống của đất nước này không thực sự minh bạch và nhiều khi bạn sẽ không có câu trả lời cho đến khi được trả lời".
"Hệ thống ngân hàng được kiểm soát bởi chính phủ. Có lẽ chính phủ sẽ can thiệp vào vụ việc của Evergrande. Tôi nghĩ trong một khoảng thời gian sẽ có nghi vấn về khả năng tài trợ ngắn hạn của các công ty bất động sản khác, tạo ra một số biến động và lây nhiễm trong hệ thống tài chính. Dự đoán của tôi là chính phủ Trung Quốc sẽ hành động và tình hình sẽ được ổn định".
Ông Rieder nói rằng nhà đầu tư có thể sẽ thận trọng trước các công ty bất động sản và công ty đa ngành của Trung Quốc trong một khoảng thời gian.
Một số chuyên gia lo ngại rằng kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc hơn nữa và điều này có thể ảnh hưởng tới những nền kinh tế khác.
Giám đốc đầu tư Chang của Rockefeller Global Family Office nhận định chính phủ Trung Quốc cần hành động nhanh chóng vì Evergrande đã bắt đầu làm tâm lý thị trường toàn cầu thêm tiêu cực.
"Khủng hoảng Evergrande có thể trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm. Vấn đề thanh khoản – bất động sản cực kỳ quan trọng với kinh tế vĩ mô và tình hình tài chính của rất nhiều gia đình Trung Quốc. Tỷ lệ sở hữu nhà ở Trung Quốc là trên 90%. Rất nhiều người mua các căn hộ như một khoản đầu tư, nên nếu khủng hoảng Evergrande không được kiềm chế thì có thể nó sẽ biến thành sự kiện thiên nga đen".
Ông Chang nói thêm rằng phần còn lại của thế giới có thể chịu ảnh hưởng vì nền kinh tế Trung Quốc rất lớn. "Nếu Trung Quốc xảy ra vấn đề kinh tế nghiêm trọng vì Evergrande thì phần còn lại của thế giới cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng".
Thị trường chứng khoán Mỹ đỏ lửa trong phiên đầu tuần 20/9. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất hơn 600 điểm sau khi thị trường chứng khoán châu Âu, Hong Kong và những bộ phận khác của châu Á suy giảm sâu.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm sâu xuống còn 1,297% do nhà đầu tư đổ xô tìm chỗ trú ẩn trong tài sản an toàn.
Bảo vệ hệ thống tài chính
Ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics cho biết: "Tôi nghĩ rốt cuộc các nhà chức trách Trung Quốc sẽ phải vào cuộc để đảm bảo rằng hệ thống tài chính không rơi vào khủng hoảng. Các nhà phát triển bất động sản sẽ đối mặt với vài tháng đen tối".
"Điểm khác biệt chính là các nhà hoạch định chính sách sẽ để cho các công ty phát triển bất động sản gánh chịu những tổn thất đáng kể, nhưng họ sẽ can thệp để đảm bảo hệ thống ngân hàng vẫn ổn".
Ông Jim Chanos, Chủ tịch Kynikos Associates, nói rằng đây là thời điểm quyết định đối với giới lãnh đạo Trung Quốc sau khi siết chặt quản lý lên các công ty công nghệ, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Ông Chanos nói rằng quan sát cách Bắc Kinh phản ứng với Evergrande là điều rất quan trọng. Ông đặt ra nhiều câu hỏi:
"Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi trong giọng điệu… cách chính phủ Trung Quốc đối xử với doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư phương Tây. Bắc Kinh sẽ xử lý thế nào với một vụ cứu trợ mà mọi người đều nghĩ sẽ xảy ra, câu hỏi chỉ là theo hình thức và cách thức nào?"
"Liệu trái chủ phương Tây có được giải cứu hay không? Hay sự giải cứu sẽ chỉ được trao cho những người đã mua căn hộ mà Evergrande còn chưa xây dựng? Liệu ngân hàng có chịu giảm nợ cho Evergrande?"
Thị trường bất động sản Trung Quốc liên lụy?
Chủ tịch Chanos chỉ ra rằng Trung Quốc đã 4 lần cố gắng ngăn chặn tình trạng đầu cơ trong thị trường bất động sản kể từ năm 2011. "Trong mỗi lần, nền kinh tế đều giảm tốc rất nhanh, sau đó các nhà chức trách nhả phanh và rồ ga lần nữa".
Ông cho biết thị trường bất động sản dân dụng tương đương 20% GDP Trung Quốc, trong khi đó hoạt động bất động sản nói chung tương ứng với khoảng 30% GDP.
"Những con số này rất cao và đã trở nên tồi tệ hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình chứ không giảm đi", ông Chanos nhận xét. "Tôi không nghĩ có rủi ro hệ thống tới thị trường tài chính phương Tây".
Rủi ro là nếu các công ty bất động sản khác cũng gặp rắc rối, giá bất động sản sẽ giảm và có thể gây ra náo động trên thị trường nhà ở. Người tiêu dùng đóng vai trò lớn trong kinh tế Trung Quốc, và cú đánh vào thị trường nhà ở có thể làm tổn thương tiêu dùng, CNBC cho biết.
Tác động sẽ lan sang những thị trường toàn cầu khác thông qua sự suy yếu của thị trường nhập khẩu Trung Quốc cũng như nhu cầu suy giảm đối với tất cả các loại nguyên liệu thô.