Ma trận “đồ uống trị COVID-19”
Sau sữa non Alpha Lipid, đến lượt nước uống tăng sức đề kháng Go PSK (của Matxi Corp) được quảng bá rầm rộ trên YouTube, mạng xã hội Facebook về công năng chữa trị COVID-19. Những người kinh doanh sản phẩm này lập nhiều hội, nhóm để quảng cáo nhập nhèm về công năng.
Nhiều người bán hàng quảng cáo Go PSK như “thần dược”. Chẳng hạn, người lớn sốt siêu vi hết sốt sau ba ngày uống Go PSK mà không cần viên kháng sinh nào, trẻ nhỏ bị sốt cũng uống ngày thứ hai là hết sốt, người đau họng uống một gói là hết đau… Cùng chủng loại nhưng giá bán các nơi chênh lệch khá cao: 350.000 đồng/hộp, 479.000 đồng/hộp, 550.000 đồng/hộp.
Ngoài sữa non Alpha Lipid và nước Go PSK, trên thị trường còn có vô số sản phẩm viên uống được quảng cáo “tăng sức đề kháng” hoặc úp mở rằng phòng ngừa được COVID-19. Tại Kalt Shop, viên uống Wobenzym Immun (của Đức) có giá 730.000 đồng/hộp được quảng cáo có khả năng “đánh bay COVID-19”, viên uống Immunix3 (của Ý) vốn chỉ là vitamin D3 nhưng được giới thiệu là “cứu tinh cho những ngày cách ly không tiếp xúc với nắng”. Các sản phẩm kẹo ngậm vitamin C, si-rô, kẹo ong chúa… cũng được quảng cáo là “vắc-xin chống lại vi-rút corona cho trẻ”. Để kích thích người mua, các điểm bán đua nhau quảng cáo đang cháy hàng, hết hàng. Các sản phẩm này đều là hàng xách tay, nhập nhèm về nguồn gốc và không hề có hướng dẫn
sử dụng.
Thực phẩm không thể trị được bệnh
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho biết những sản phẩm nói trên đều là thực phẩm chức năng, nên chỉ được quảng cáo là hỗ trợ điều trị, nếu quảng cáo điều trị bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh là vi phạm pháp luật.
Cục đã nhiều lần cảnh báo rằng, các loại sản phẩm chức năng như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt… không có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là chữa COVID-19. Cục cũng đã đề nghị các Sở Y tế và ban quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố rà soát lại toàn bộ sản phẩm có ghi công dụng, đối tượng sử dụng liên quan đến phòng ngừa, điều trị bệnh COVID-19. Các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm về quảng cáo sai quy định như trên.
Rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng rao bán trên mạng được quảng cáo có tác dụng chữa COVID-19 |
“Cho đến nay không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào chữa được COVID-19 hay kháng vi-rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cả. Nếu phát hiện sản phẩm nào ghi các công dụng như trên, người tiêu dùng không mua, không sử dụng, đồng thời báo ngay cho cơ quan chức năng” - ông Nguyễn Thanh Phong nói.
Thạc sĩ - bác sĩ Vũ Trần Thiên Quân (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cho biết thêm, các viên uống tăng sức đề kháng (thực phẩm chức năng) chủ yếu chỉ để bổ trợ sức khỏe. Các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế về điều trị COVID-19 đều không đề cập đến việc bổ sung thực phẩm chức năng. Ngoài ra, chưa có nghiên cứu nào chứng minh vai trò của thực phẩm chức năng trong điều trị COVID-19.
Theo bác sĩ Vũ Trần Thiên Quân, có nhiều cách để tăng cường sức đề kháng của cơ thể, như ăn uống đầy đủ, đa dạng, kết hợp nhiều loại thực phẩm; tăng cường tập luyện thể dục; ngủ đủ giấc, đúng giờ, điều độ; lạc quan, vui vẻ, không căng thẳng, lo lắng quá mức; không nên lạm dụng các loại viên uống tăng cường sức đề kháng. Với các loại thực phẩm chức năng đã được phép lưu hành, người dùng nên tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất, không nên tự ý tăng liều lượng hay kết hợp nhiều loại vì không rõ chúng sẽ tương tác như thế nào.
Bác sĩ Vũ Trần Thiên Quân cảnh báo, việc loan tin “mắc COVID-19, chỉ cần uống sữa non cả ngày” là hết sức nguy hiểm, vì khi mắc COVID-19, cơ thể rất cần năng lượng, chất dinh dưỡng để chiến đấu chống lại bệnh. Nếu chỉ uống sữa non cả ngày, không ăn uống gì khác, cơ thể sẽ không đủ năng lượng, chất dinh dưỡng. Ngoài ra, sữa non cũng là thực phẩm bổ sung, không phải thuốc.
“Nếu có loại sữa thần kỳ như thế thì thế giới đã không có ai chết vì COVID-19. 80% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và tự khỏi bệnh mà không cần can thiệp gì, nên nếu có vài trường hợp dùng sữa rồi may mắn khỏi bệnh thì không thể nói nhờ uống sữa mà khỏi bệnh. Đây chỉ là chiêu trò quảng cáo của người bán để thu hút người mua, nhất là những người đang mắc COVID-19 vốn có tâm lý lo lắng, ai bày gì cũng dễ nghe theo” - bác sĩ Vũ Trần Thiên Quân nói.
Thùy Dương - Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.5036441a-91-divoc-irt-coud-naht-al-oac-gnauq-ut-mahp-nas-nal-nart/nv.moc.enilnounuhp.www