Trước đề xuất tăng mức phạt với hành vi đua xe trái phép lên nhiều lần so với quy định hiện hành, chuyên gia cho rằng, đó có thể chỉ là một giải pháp.
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt nhằm đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1.1.2022.
Nội dung sửa đổi của Nghị định 100 tập trung vào việc tăng mức phạt đối với một số vi phạm đồng thời bổ sung các quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý và quy trình cho lực lượng thực thi công vụ.
Tại dự thảo 100 của Bộ Gia thông vận tải có đề xuất tăng mức xử phạt đối với người đua xe máy lên 10-15 triệu đồng thay vì 7-8 triệu đồng như quy định hiện hành.
Ngoài ra, nếu trường hợp đua ôtô, mức xử phạt cũng tăng 8-10 triệu đồng lên 20-25 triệu đồng.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết, lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường, ngăn chặn đua xe trái phép nhìn nhận thấy, hành vi đó phức tạp, nghiêm trọng nên cần có những mức phạt tương xứng, để ngăn chặn kịp thời.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện 498 thanh thiếu niên tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng.
Hành vi của các đối tượng này nguy hiểm, thậm chí có trường hợp chặn đường để tổ chức đua xe. Trong 9 tháng qua, công an các địa phương đã bắt giữ 3.051 đối tượng, tạm giữ 2.753 phương tiện (trong đó khởi tố 9 vụ, về các hành vi Tổ chức đua xe trái phép, Gây rối trật tự công cộng, Chống người thi hành công vụ, với 62 đối tượng..., còn lại là xử lý hành chính).
Trao đổi với luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), ông cho biết, những vụ đua xe trái phép gây ra hậu quả nghiệm trọng cho chính bản thân các tay đua và người tham gia giao thông.
Hành vi của quái xế còn gián tiếp gây nên gánh nặng cho những người thân trong gia đình của những người gặp nạn.
Việc đua xe không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông mà còn gây rối trật tự công cộng, đặc biệt là với người dân sinh sống tại khu vực mà các quái xế thường tổ chức đua xe.
Thậm chí có những trường hợp quái xế sẵn sàng lao xe vào lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ nếu như bị chốt chặn, thể hiện tính côn đồ và thái độ thách thức pháp luật, thách thức các cơ quan chức năng đang làm nhiệm vụ.
Theo luật sư, việc tăng mức xử phạt dựa trên quá trình cân nhắc, đánh giá, phân tích làm sao vừa có đủ sức răn đe, vừa phù hợp với hoàn cảnh chung của người Việt Nam. Việc tăng mức xử phạt đã tăng mức độ răn đe, giáo dục đối với những quái xế, sẽ có sự tác động nhất định đến nhận thức và thái độ của nhiều đối tượng.
Tuy nhiên không thể chỉ dựa vào một yếu tố này mà đánh giá có hiệu quả hay không. Bởi lẽ dù có tăng mức xử phạt nhưng đối với nhiều quái xế có hoàn cảnh gia đình khá giả, tiền bạc với họ không thành vấn đề thì mức phạt tiền không phát huy tối đa hiệu quả.
Chính quyền, các ban, ngành ở một số địa phương cần coi công tác phòng, chống đua xe trái phép cũng là trách nhiệm của mình, không chỉ là việc riêng của lực lượng công an. Ngoài ra, phụ huynh cần sự quan tâm sát sao, nhắc nhở con em về ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông...
Trong khi đó, ông Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu không thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa thì có tăng mức chế tài hành chính đến bao nhiêu chăng nữa thì cũng không giải quyết được việc tổ chức đua xe trái phép và đua xe trái phép hiện nay.
Xem thêm: odl.678559-ed-nar-cus-ud-oc-pehp-iart-ex-aud-iov-nal-ueihn-pag-tahp-ux-gnat/taul-pahp/nv.gnodoal