Từ 6h sáng nay 21/9, TP Hà Nội chuyển trạng thái chống dịch, thực hiện theo Chỉ thị 15 với nhiều hoạt động được nới lỏng . Theo ghi nhận của chúng tôi, từ tờ mờ sáng, nhiều người dân đã tới các khu chợ để mua sắm. Đặc biệt, hôm nay lại đúng ngày Rằm tháng Tám nên lượng người càng đông hơn.
"Phấn khởi quá, từ hôm giãn cách cô không được ăn bún, ăn phở. Hôm nay mới ra mua đây này, sướng quá", một người dân có mặt chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội) lúc 5h30 phút sáng 21/9 hồ hởi chia sẻ.
Một người dân khác bày tỏ: "Tôi cũng mong muốn hết giãn cách để bà con được bán hàng, ai cũng được bán hàng, dù mặt hàng thiết yếu hay không thiết yếu, để cho cuộc sống trở lại bình thường".
Theo quan sát của PV, tại khu chợ trên, lực lượng chức năng luôn túc trực nhắc nhở người dân đảm bảo giãn cách khi vào chợ. Người mua đứng ngoài dây chắn để tránh tiếp xúc gần với tiểu thương. Một số khu vực, tiểu thương trang bị các tấm chắn giọt bắn và lắp thêm lớp nilon trong suốt để đảm bảo phòng dịch Covid-19 .
Chia sẻ trên báo Nhân dân, chị Tô Thúy Nga (phố Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) nói: "Tôi tranh thủ đi chợ sớm để còn đi làm.
Tôi nhận thấy, dù nới lỏng giãn cách, nhưng mọi người đều có ý thức tuân thủ các biện pháp phòng dịch, không thấy có người không đeo khẩu trang".
Cũng theo nguồn trên, tại một cửa hàng bún cá trên phố Hàn Thuyên (quận Hai Bà Trưng), khách hàng Nguyễn Thu Thủy nói, mọi người đã chờ mong ngày này lâu lắm, nên hôm nay ai cũng muốn đổi vị quà sáng, nhất là gia đình có trẻ em.
"Tôi nghĩ hôm nay sẽ khá đông khách, nhưng thực tế vẫn vắng. Tôi nghĩ việc cẩn thận khi mua bán là cần thiết, để ít ngày nữa được trở lại trạng thái bình thường mới, tha hồ thưởng thức", báo Nhân dân điện tử dẫn lời chị Thủy.
Người phụ nữ xách làn đi chợ sớm. Ảnh: Người lao động
Cũng trong sáng nay, nhiều tiệm tóc trên địa bàn Hà Nội đã mở cửa từ sáng sớm để đón khách. Chị Hoàng Thị Tuyến (chủ tiệm tóc 92A Trần Phú, quận Hà Đông) kể trên VOV, đêm 20/9, ngay khi nhận được tin cửa hàng được phép mở, chị đã gọi nhân viên để sáng sớm qua cửa hàng sửa soạn đồ nghề.
Do nhiều nhân viên chưa kịp có mặt ở Hà Nội nên sáng nay tiệm của chị chỉ có 4 - 5 người phục vụ.
"Được mở cửa làm việc vừa vui vừa buồn. Vui bởi vì anh em tại tiệm có công việc, có thu nhập. Buồn cũng vì lo lắng không biết dịch dã có còn kéo dài lâu nữa không, mà cứ mở ra vài hôm lại đóng cửa, thế nên rất là ngại.
Có những bạn làm tại đây phải di chuyển hơn 200km từ Yên Bái xuống mà cứ mở ra lại đóng vào thì cũng là điều suy nghĩ. Giờ chỉ mong dịch bệnh qua mau để anh em chị em chúng tôi phục vụ cho khách có đồng lương chi trả cho cuộc sống", chị Tuyến giãi bày với báo VOV.
Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách xã hội, người dân ra đường từ tờ mờ sáng (Nguyễn Việt Hùng)
Người dân xếp hàng chờ mua xôi sáng nay 21/9. Ảnh: Người lao động
Trước đó, theo chỉ thị mới của Hà Nội, hàng loạt dịch vụ được mở từ sáng nay như cắt tóc, gội đầu; kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ô-tô, xe máy, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày.
Những hoạt động vẫn phải tạm dừng từ 21/9 gồm: Vận tải hành khách đường bộ, đường thủy (xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách bằng xe mô tô; trừ trường hợp phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia).
Ngoài ra, các hoạt động vẫn phải dừng còn có hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng và các cơ sở kinh doanh (trừ các hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép); Hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, trừ các trường hợp như là cơ sở cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế.
(Tổng hợp)
PV - Video: Nguyễn Việt Hùng
TRÍ THỨC TRẺ