Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu kiến nghị về 2 phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 để giảm ca tử vong, do giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương - đề xuất.
Hai phương pháp này, bao gồm đề nghị truyền huyết tương có chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 của những người mắc bệnh đã hồi phục cho các bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng. Đây là phương pháp không mới, đã được áp dụng cho nhiều vụ dịch trên thế giới.
Thứ hai, kiến nghị truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp, để ngăn chặn "bão Cytokine" - nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân suy hô hấp. Phương pháp này đã được sử dụng cho suy hô hấp do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các chuyên gia cho rằng việc truyền huyết tương của người hồi phục chứa kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 có ý nghĩa ở chỗ người đã bị nhiễm COVID-19 bao giờ cũng sinh ra kháng thể tiêu diệt virus.
Sau khi khỏi bệnh, kháng thể chống virus có thể tồn tại nhiều tháng trong máu của người đã bị nhiễm. Việc sử dụng huyết tương trong máu của người bệnh đã hồi phục truyền cho bệnh nhân khác đã được sử dụng từ rất lâu.
Trong vụ dịch cúm ở Tây Ban Nha (1918-1920), phương pháp này đã được sử dụng, phân tích hồi cứu 1.703 bệnh nhân được sử dụng cho thấy tỉ lệ tử vong đã giảm. Huyết tương của người hồi phục cũng đã được sử dụng trong nhiều vụ dịch khác như dịch do Ebola, MERS-CoV, cúm H1N1...
Truyền huyết tương người khỏi bệnh có thể giảm 70% tỉ lệ tử vong?
Theo nhóm chuyên gia trên, một nghiên cứu tổng quan xuất bản năm 2015 cho thấy truyền huyết tương của người hồi phục có thể giảm 70% tỉ lệ tử vong. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào truyền sớm hay muộn, hiệu giá kháng thể cao hay thấp.
Nghiên cứu truyền sớm huyết tương của người hồi phục có hiệu giá kháng thể cao để ngăn chặn diễn biến nặng COVID-19 ở người cao tuổi của Linbsster và cộng sự đăng trên tạp chí y học danh tiếng, The New England Journal of Medicine tháng 6-2021, cho kết quả rất đáng chú ý: 160 bệnh nhân được chia làm 2 nhóm, 80 bệnh nhân được truyền 250ml huyết tương, 80 bệnh nhân được truyền 250ml huyết thanh mặn.
Kết quả cho thấy truyền huyết tương đã giảm được 48% số bệnh nhân chuyển nặng. Các tác giả đã truyền huyết tương có hiệu giá kháng thể cao và truyền sớm trong vòng 72 giờ từ khi có biểu hiện bệnh. Mặc dù đối tượng được truyền là người cao tuổi nhưng không có bất cứ biến chứng nghiêm trọng nào xảy ra.
Chi phí 1 lần truyền huyết tương ở Brazil là 185 USD. Tại Việt Nam, Viện nghiên cứu Vinmec đã phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiến hành lấy huyết tương và dự trữ, nhưng chưa truyền cho người bệnh vì năm 2020 không có bệnh nhân ở Hà Nội.
Điều trị cho bệnh nhân gặp "bão cytokine" bằng truyền tế bào gốc
Khi bệnh nhân đã suy hô hấp do cơn bão cytokine thì hiện nay chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Tỉ lệ tử vong rất cao, theo một số báo cáo lên đến 70%. Cho đến nay đã có 7 báo cáo về truyền tế bào gốc trung mô, 4 nghiên cứu ở pha I và 3 nghiên cứu ở pha II có so sánh với nhóm chứng không truyền.
Một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Stem cell Translational Medicine cho thấy truyền tế bào gốc đã tăng tỉ lệ sống lên 2,5 lần so với nhóm không truyền. Khi phân tích sâu thêm cho nhóm có bệnh nền, tỉ lệ sống đã tăng lên 4 lần.
Cơ chế tác dụng: tế bào gốc trung mô điều hòa phản ứng miễn dịch, làm dịu bớt cơn bão cytokine, giảm việc giải phóng các cytokine độc hại, chống xơ phổi, tái tạo nhu mô phổi, giảm quá trình chết tế bào... Tại Việt Nam đang có một cơ sở có thể sản xuất tế bào gốc trung mô với số lượng lớn.
Hiện tỉ lệ tử vong bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam vào khoảng 2,5%, cao hơn bình quân chung của thế giới (thế giới tỉ lệ này khoảng 2,1%), riêng tại TP.HCM, tỉ lệ này lên đến 4%.
Có nên áp dụng?
Trong 7 ngày gần đây nhất, bình quân mỗi ngày có 234 bệnh nhân COVID-19 tử vong, giai đoạn cao điểm (tháng 8 vừa qua), con số này có thể lên tới 340 ca/ngày. Giảm tối đa số ca tử vong là yêu cầu quan trọng nhất thời gian qua, và thực tế số ca tử vong có giảm nhưng còn chậm.
Một đại diện Bộ Y tế cho biết trong 2 phương pháp mới được GS Liêm đề xuất, phương pháp truyền huyết tương bệnh nhân khỏi bệnh cho người bệnh nặng đã được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương nghiên cứu từ năm 2020. Hiện các mẫu huyết tương có đủ tiêu chuẩn điều trị đang được lưu trữ.
"Nếu Chính phủ, Bộ Y tế cho phép tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của nghiên cứu thì chúng tôi có thể triển khai lấy thêm huyết tương, chọn bệnh nhân đủ tiêu chuẩn để điều trị. Quan trọng ở đây là bệnh nhân đủ tiêu chuẩn vì bản chất sử dụng huyết tương như sử dụng thuốc, phải chỉ định đúng ca bệnh" - thành viên nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết.
Vì vậy, truyền cho bệnh nhân nào, đối tượng nào, đánh giá sơ lược biện pháp đó có an toàn, hiệu quả hay không... là những đánh giá quan trọng nếu áp dụng phương pháp này, không phải áp dụng được cho mọi nhóm bệnh nhân.
"Truyền ở giai đoạn sớm, ở bệnh nhân có nồng độ virus cao, hoặc thể trung bình nhưng xét nghiệm ghi nhận chưa đủ kháng thể trung hòa virus thì nguy cơ diễn biến nặng có thể giảm" - nhà nghiên cứu kể trên cho biết.
TTO - Nghiên cứu mới nhất của Trường ĐH Hong Kong (HKU) kết luận thai nhi ở những sản phụ nhiễm COVID-19 được điều trị khỏi bệnh khi chào đời đã có sẵn trong cơ thể kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.