Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng luật không quy định thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hình thức xét xử trực tuyến của toà án - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều nay 21-9, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao TAND tối cao chuẩn bị Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến.
TAND tối cao cho rằng sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới; thời đại kỹ thuật số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hiệu quả hoạt động của tòa án.
Do tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19, hoạt động xét xử của tòa án cũng bị ảnh hưởng, nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định, một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.
"Điều này đòi hỏi phải sớm có giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm tác phòng chống dịch bệnh an toàn" - ông Tuệ trình bày.
Theo các cam kết quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là với Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN thì đến năm 2025 chúng ta phải hoàn thành việc xây dựng và tổ chức vận hành tòa án điện tử. Hiện nay, đa số tòa án các nước khu vực ASEAN đã thực hiện việc xây dựng tòa án điện tử và tổ chức xét xử trực tuyến.
Các nội dung nêu trên cũng đã được TAND tối cao báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng ý. Thường trực Ủy ban Tư pháp và thường trực Ủy ban Pháp luật đồng tình, xét trên bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đặt ra yêu cầu phải đổi mới công tác xét xử của Toà án cũng như kinh nghiệm quốc tế.
Do hình thức xét xử này chưa được quy định trong các đạo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan có liên quan cho ý kiến về thẩm quyền quyết định cho phép Toà án chuẩn bị quy chế này. Ông cũng nêu ví dụ là thời gian qua, Quốc hội cũng đã tổ chức các phiên họp trực tuyến kết hợp với họp trực tiếp.
Đại diện VKSND tối cao cho biết, việc áp dụng xét xử trực tuyến thì trên thế giới đã có kinh nghiệm và có những vụ việc Việt Nam đã tham gia, như vừa qua liên quan đến phiên toà của Phan Sào Nam thì đã có kết nối với cơ quan tố tụng của Singapore.
Hiện nay pháp luật chưa có quy định về xét xử trực tuyến, do đó để áp dụng thì hoặc là UBTVQH giải thích pháp luật cho phép thực hiện hoặc là Quốc hội ban hành nghị quyết.
Đại diện Bộ Công an, Trung tướng Trần Quốc Tỏ cho rằng việc áp dụng xét xử trực tuyến đã có đầy đủ cở sở chính trị, cơ sở thực tế, thông lệ quốc tế và không trái quy định của pháp luật. Có một băn khoăn là luật chưa có quy định cụ thể, do đó đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết giải thích luật, khẳng định xét xử trực tuyến là một hình thức của xét xử trực tiếp.
Dẫn quy định của các đạo luật tố tụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý rằng việc xét xử trực tiếp bao gồm quy định phải diễn ra trong phòng xử án.
"Chủ trương thì chúng ta đều đồng ý là cần thiết. Thế giới cũng đã có kinh nghiệm rồi. Nhưng chúng ta không thể giải thích pháp luật theo ý của mình. Trực tiếp là trực tiếp mà trực tuyến là trực tuyến. Hiện nay chỉ có thể giải thích nếu áp dụng việc này là không trái quy định của pháp luật" - ông Huệ nói.
Từ phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo Bộ Chính trị rồi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
TTO - Ông Đỗ Văn Phương, kiểm sát viên cao cấp, thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, được điều động, bổ nhiệm làm chánh văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Xem thêm: mth.12495506112901202-neyut-curt-ux-tex-ehc-yuq-oc-ihgn-ed-oac-iot-nad-nahn-na-aot/nv.ertiout