Trả lời HĐXX phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Hà Giang, chiều 15/10, bị cáo Triệu Thị Chính – nguyên Phó Giám đốc (PGĐ) Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang phản bác mọi lời khai của cấp dưới là Nguyễn Thanh Hoài. Bị cáo Chính cũng không nhất trí với nhiều nội dung của cáo trạng.
Trong đó, bị cáo Chính không đồng tình với việc Viện Kiểm sát (VKS) truy tố bị cáo tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.
Về lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đối với việc tiếp nhận tờ giấy in danh sách 13 thí sinh nhờ nâng điểm, bị cáo Chính phủ nhận sạch trơn và cho rằng 13 trường hợp này chỉ “nhờ xem điểm” chứ không phải “nhờ nâng điểm”.
"Tôi có nói với anh Hoài tại sao đối xử với tôi như thế, tôi không làm điều gì sai cả. Tôi chỉ đưa anh danh sách 13 cháu là con của một số lãnh đạo, người thân, đồng chí, đồng nghiệp", bị cáo Triệu Thị Chính nói.
Danh sách 13 thí sinh này được đích thân Chính lập và đưa cho Hoài, Chính cho biết tiếp nhận 13 thí sinh này từ những tin nhắn của 6 người gồm những người thân quen nhờ vả gồm:
Ông Vũ Văn Sử (thời điểm đó là GĐ Sở GD&ĐT), chuyển tiếp tin nhắn của 3 trường hợp gồm: con bà Triều, Phó phòng Giáo dục huyện Xín Mần; bà Lại Thị Hương, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Giang; bà Chúng Thị Chiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang.
Trong đó, tin nhắn của bà Chiên nhờ xem điểm cho con gái là Lưu Thủy Tiên, người từng tham gia kỳ thi Khoa học kỹ thuật THPT cấp Quốc gia. Tại cuộc thi này, cháu Thủy Tiên có màn thuyết trình giới thiệu về Hà Giang và được Bộ GD&ĐT đánh giá là bài thuyết trình hay nhất toàn quốc.
Người tiếp theo nhắn tin cho Chính là bà Nga, công tác tại Sở Tài chính tỉnh Hà Giang;
Người thứ tư nhắn tin là ông Lương Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy Bắc Quang;
Người thứ năm nhắn tin là ông Hòa, Phó Ban thi đua khen thưởng của tỉnh Hà Giang.
Người cuối cùng nhắn tin nhờ Chính là ông Hoàng Tiến Sơn, cán bộ Trường PTDT Nội trú tỉnh.
Ngoài ông Vũ Văn Sử nhắn tin nhờ 3 thí sinh, 5 người còn lại mỗi người nhắn tin nhờ xem xét cho 1 thí sinh.
Triệu Thị Chính khai, ông Vũ Văn Sử là người “sống tình cảm” và nhiều lần nói chuyện bày tỏ băn khoăn muốn giúp đỡ các lãnh đạo, trong đó ông Sử đặc biệt nhấn mạnh trường hợp con gái ông Triệu Tài Vinh (Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang thời điểm xảy ra vụ việc).
HĐXX đọc lại lời khai trong hồ sơ cũng như biên bản kỷ luật tại Sở GD&ĐT, trong đó Triệu Thị Chính thừa nhận giúp đỡ nâng điểm cho 13 thí sinh. Tuy nhiên, bị cáo phủ nhận và một mực cho rằng mình chỉ “xem điểm hộ”, đồng thời không biết việc Hoài và Lương nâng điểm cho hàng trăm thí sinh.
“Lỗi của bị cáo là đã để tình cảm xen vào công việc”, Triệu Thị Chính nói.
Quy trình đã nghiêm ngặt?
Cầm trên tay bài thi của thí sinh, Triệu Thị Chính diễn giải vì sao không thể can thiệp vào bài thi môn Ngữ văn, đồng thời phản bác quan điểm của VKS khi cho rằng Hoài đã thống nhất cùng với Chính nâng điểm môn văn cho 12 thí sinh.
“Môn văn là môn học sinh làm bài trên giấy, quy trình chấm là chấm bằng tay, không chấm bằng máy. Quy trình vô cùng chặt chẽ, một bài văn được coi là hoàn thành khi giám thị hoàn thành 3 phiếu điểm chấm lần 1, chấm lần 2 và biên bản thống nhất. Trong các phiếu này đều có số phách, điểm bằng chữ, riêng biên bản chấm thi thống nhất giữa hai giám thị, ngoài chữ ký hai giám thị còn có chữ ký của Trưởng môn và Trưởng ban là tôi”, Triệu Thị Chính trình bày trước tòa.
Bị cáo tiếp tục: “Trong quá trình chấm, phách được bảo vệ chặt chẽ, người làm phách được cách ly tuyệt đối 3 vòng. Không có bất kỳ một thành viên nào có thể biết được bài văn nào là của em nào, chỉ biết được nếu lột khóa phách và điều này đã xảy ra ở điểm thi tỉnh Hòa Bình. Riêng Hà Giang tuyệt đối không có chuyện lột khóa phách. Cán bộ chấm thi thứ nhất và thứ hai không biết mình chấm bài nào, và khi cán bộ chấm thi thứ hai chấm lại lần hai thì không chấm lại túi đã chấm lần 1.
Quy chế ghi rõ nếu có điểm không khớp giữa hai cán bộ chấm thi thì Trưởng môn phải yêu cầu điều chỉnh theo quy chế, nếu dưới 1,5 điểm chênh lệch thì quyền điều chỉnh thuộc về cán bộ chấm thi.
Việc nhập điểm phải nhập vào khóa phách chứ không ai được nhập điểm vào phần mềm. Sau khi ghép phách xong mới in bảng điểm ra phần mềm xem có khớp hay không”.
Từ quy chế trên, Chính cho rằng việc Hoài nói sửa bài thi vào lúc này, tức là mọi việc đã an bài, là không thể, vì phải gọi ít nhất 2 giáo viên trưởng môn và cuối cùng cả bị cáo Chính mới ký được bản này. Trong khi đó, nếu tiếp tục chữa trên phần mềm sẽ lưu lại lịch sử đã sửa sau khi ghép phách.