Dọc phố Nguyễn Trãi, hàng chục cửa hàng đều treo biển "sales". Cảnh tương tự cũng diễn ra các tuyến đường Cầu Giấy, Kim Mã, Phố Huế, Chùa Bộc... Hầu hết các cửa hàng đều giảm giá 50% toàn bộ sản phẩm, một số còn được giảm đến 70%. Dù vậy, sức mua hiện tại giảm mạnh so với trước đây là nhận xét chung của nhiều chủ hộ kinh doanh sau 2 ngày mở hàng trở lại.
Anh Hoàng, chủ một shop quần áo xuất khẩu tại quận Đống Đa cho biết đang phải giảm giá mạnh để đẩy hàng đi, thu hồi vốn cho vụ mùa đông sắp tới, cũng như để kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng. "Tuy nhiên, doanh số giảm đi tương đối nhiều. Ví dụ mọi năm, một ngày sales quần áo mùa hè bán được 10 triệu, thì nay cố gắng cũng chỉ được 6 triệu", chủ cửa hàng này chia sẻ.
Anh đánh giá hiện tại người tiêu dùng có xu hướng phòng thủ, chi tiêu tiết kiệm hơn sau 2 tháng vừa qua. Cùng với đó, thời điểm sales hàng hè hiện tại bị muộn, bởi mọi năm thường giảm giá để xả hàng hè trước dịp 2/9. Với tình hình khó khăn chung hiện nay, anh Hoàng cũng đang khá rón rén, cân nhắc về lượng nhập hàng mùa đông vì tồn vốn hơn hàng mùa hè rất nhiều.
"Tôi chỉ mong sắp tới kiểm soát được dịch bệnh để cửa hàng ổn định kinh doanh. Hai tháng qua, tôi cũng được hỗ trợ thuế cho hộ kinh doanh cá thể, nhưng thực ra không ăn thua so với các loại chi phí mặt bằng, tồn hàng, đọng vốn", anh Hoàng nói.
Còn chị Phượng, chủ một shop thời trang nữ trên đường Ô Chợ Dừa, cho biết cũng đang gặp nhiều khó khăn bên cạnh việc doanh số xuống thấp kỷ lục. "Trước đợt dịp 30/4, cửa hàng vẫn bán khá tốt. Nhưng từ sau đó đến nay, người dân gần như không có nhu cầu mua sắm thêm quần áo vì không đi đâu được", chị nói.
Cửa hàng của chị cũng chỉ mở 3 ngày từ 28/9 để xả hàng hè nhập về từ vài tháng trước. Từ ngày mai (1/10), chị lại phải đóng cửa, chỉ bán online vì sức mua kém, thiếu nhân viên bán hàng.
"Nhân viên xin về quê từ lúc dịch và hiện chưa thể quay trở lại Hà Nội. Bây giờ, tôi cũng cũng chưa thể tuyển nhân viên mới ngay được, bởi trước đây thường cho nhân viên cũ kèm nhân viên mới, khoảng 2-3 tháng quan sát thấy tin tưởng mới dám giao chìa khóa cửa hàng hoặc chủ phải thường xuyên có mặt", chị chia sẻ. Việc bán online cũng gặp nhiều trở ngại vì giá ship vẫn cao, thời gian giao hàng lâu hơn khi thiếu shipper.
Cũng như anh Tùng, chị Phương cũng đang có tâm lý làm ăn cầm chừng từ nay đến cuối năm. "Không nhập thêm hàng mới về thì khách đến cửa hàng không có hứng thú, còn nhập hàng về mà không bán được cũng rất dở. Tôi thực sự chưa biết tính toán thế nào", chị Phượng chia sẻ về lo lắng của mình.
Tại đường Nguyễn Trãi, mở bán lại ngay hôm Hà Nội cho phép, chị Hằng, chủ cửa hàng giày nói vui là "bán để cho thoáng nhà" chứ không kỳ vọng gì. Lượng hàng tồn của cửa hàng còn khá nhiều nên chị lôi tấm biển sale 30-50% từ mùa trước ra treo.
"Đợt sale trước còn chưa xong thì phải đóng cửa, giờ sale tiếp. Bao giờ hòm hòm đã mới tính chuyện nhập mới", chị nói. Chị cho biết thi thoảng cũng có khách, nhưng họ đến xem là chủ yếu.
Một số người thậm chí còn tính trả mặt bằng để kinh doanh online chờ đến lúc thị trường sôi động hơn. Hà My cầm cự mấy tháng nay bằng việc bán hàng online. Ngoài đăng xả hàng trên facebook, 2 lần một tuần, cô lại livestream để bán hàng với sự hỗ trợ của người em họ.
Cô cho biết, dù các cửa hàng thời trang đã được mở bán bình thường, cô đang tính trả luôn mặt bằng trên phố Cầu Giấy, chỉ tập trung bán online. "Những tháng đóng cửa, tiền nhà không được giảm vẫn phải trả đầy đủ. Nhưng tình hình ảm đạm như này không biết kéo dài bao lâu, nên phải giảm được khoản nào hay khoản đấy để tồn tại", My chia sẻ. Hiện tại, hơn chục nhà mặt phố Cầu Giấy đang treo biển thanh lý cửa hàng hoặc cho thuê nhà.
Anh Tú - Phương Ánh