Bản chất của gói hỗ trợ này là gì?
Thường vụ Quốc Hội đề nghị Chính phủ cân nhắc gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm nhằm có thêm giải pháp để tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho các DN trong bối cảnh hiện tại. Hiểu đơn giản là hiện các ngân hàng cho vay ngắn hạn với lãi suất khoảng 7-8%/năm, Chính phủ dùng ngân sách hỗ trợ một phần lãi suất (ví dụ 3%/năm) để lãi suất cho vay giảm xuống còn 4-5%/năm. Theo đó, nếu ngân sách Nhà nước bỏ ra số tiền 3.000 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ 3%/năm thì sẽ tương đương với mức dư nợ tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng.
Hiện tại phía ngân hàng còn e ngại vì năm 2009, chúng ta đã tung ra gói hỗ trợ lãi suất 17.000 tỷ đồng (kết quả thực hiện được gần 12.000 tỷ đồng cho số dư nợ khoảng 412.000 tỷ đồng, tương đương gần 20% tổng dư nợ nền kinh tế) nhưng cách làm phức tạp, phát sinh chi phí, trùng lặp đối tượng, chưa thực sự hiệu quả, hệ lụy khá lớn như tín dụng tăng nhanh, lạm phát tăng và khâu quyết toán kéo dài, thậm chí đến nay vẫn chưa quyết toán đầy đủ phần cấp bù lãi suất.
5 ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRIỂN KHAI GÓI HỖ TRỢ THÀNH CÔNG
Đứng trên giác độ chuyên gia độc lập, tôi cho rằng nếu muốn làm, gói hỗ trợ lần này phải có 5 điều kiện cụ thể.
Một là, có cơ chế cho phép cho vay đối với cả doanh nghiệp không thể chứng minh khả năng tài chính của mình (có thể do bị thua lỗ) nhưng có triển vọng phục hồi và có thể thiếu tài sản đảm bảo (đây là điểm khác biệt lớn so với gói hỗ trợ năm 2009 vì khi đó luật TCTD cũ chưa quy định cụ thể điểm này). Hai là, tiền hỗ trợ từ ngân sách phải xác định rõ lấy từ đâu, nguồn nào (rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ năm 2009, khi đó lấy từ dự trữ ngoại hối quốc gia, nhưng những chính sách bổ sung sau đó đã không tính hết). Ba là, thời hạn hỗ trợ tối đa 1 năm vì ngân sách cũng có hạn và nó cũng phù hợp với dự báo dịch Covid-19 có thể cơ bản được kiểm soát trong năm nay và Việt Nam có thể đạt tiêm chủng 70% hết quý 1 năm 2022.
Bốn là, cũng rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, lần này hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, nhắm tới 1 số đối tượng, địa bàn chịu tác động tiêu cực bởi dich bệnh. Gói năm 2009 chúng ta làm đại trà, sau đó lại còn bổ sung 2 gói hỗ trợ cho vay trung hạn khác. Năm là, riêng việc kiểm toán sau khi kết thúc gói hỗ trợ, chúng ta cần xác định mức độ dung hòa như thế nào, giao trách nhiệm rõ từ đầu, có chấp nhận mức độ sai sót nhất định và chỉ nên kiểm toán đại diện mẫu thay vì yêu cầu kiểm toán tất cả các khoản vay, đảm bảo đúng quy trình 100% như năm 2009. Vì nếu như thế thì sẽ rất khó triển khai, các ngân hàng rất e ngại vì sai sót nhỏ có thể xảy ra do tình thế cấp bách lúc này và rủi ro dẫn tới yếu tố hình sự hoặc chậm quyết toán như vừa qua. Việc thanh quyết toán cũng cần được giải quyết nhanh gọn, dứt điểm, tránh dây dưa nêu gói năm 2009.
Chúng ta không quá lo về việc gói hỗ trợ này sẽ làm tăng bất ổn vĩ mô như làm tăng đột biến tín dụng và lạm phát vì với tổng quy mô tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng, chỉ tương đương khoảng 1% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế hiện nay và CPI bình quân năm 2021 dự báo ở mức khá thấp (2,3-2,5%) và năm 2022 có thể tăng nhưng cũng chỉ khoảng 3-3,3%, rất khác so với thời điểm năm 2009 khi đó quy mô tín dụng có được từ gói hỗ trợ lãi suất tương đương gần 20% tổng dư nợ nền kinh tế và lạm phát ở mức rất cao (gần 7% năm 2009 và 11,75% năm 2010).
Ngoài ra, cần đặt câu hỏi là nếu không triển khai gói hỗ trợ lãi suất như thế này thì có cách nào khác không? Chỉ còn 2 cách khác; đó là: (i) các TCTD tiếp tục giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DN, kể cả DNNVV (cái này sẽ khó vì các TCTD không thể giảm lãi suất mãi được vì cũng là doanh nghiệp trong khi nợ xấu đang tăng; và không thể cho vay nếu DN bị thua lỗ, thiếu tài sản đảm bảo như quy định tại Luật các TCTD năm 2010); (ii) có bảo lãnh tín dụng DNNVV. Khi đó, cần vực dậy và phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV ở các địa phương. Hiện cả nước có 28 quỹ nhưng hoạt động không hiệu quả. Các quỹ này cần sẵn sàng đứng ra bảo lãnh DNNVV vay vốn như một số quốc gia vẫn làm. Cách này cũng chưa thể thực hiện được ngay do mất thời gian để vực dậy các quỹ bảo lãnh này cũng như năng lực thực thi của các quỹ còn hạn chế.
KHUYẾN NGHỊ KHÁC
Về lâu dài, cần cân nhắc sửa đổi Luật quản lý nợ công, theo hướng cho phép Chính phủ bảo lãnh tín dụng trong 1 số trường hợp đặc biệt như vay ưu đãi để phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư y tế - giáo dục, phát triển năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, tình thế cấp bách…), chứ ta không nên quá cứng nhắc, máy móc về trần nợ công, khiến một số ưu tiên quan trọng của quốc gia nhưng không làm được, không huy động được nguồn vốn ưu đãi, trung dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB hoặc nguồn song phương khác…v.v.
Cuối cùng, cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, một mình giải pháp tiền tệ - tín dụng không giải quyết được nhiều khó khăn, thách thức lớn hiện nay, mà đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ các giải pháp khác như các gói hỗ trợ tài khóa, an sinh xã hội và chiến lược, chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn, liên tục trong bối cảnh còn dịch bệnh cũng như sau này./.
Tác giả: TS. Cấn Văn Lực
Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia
H. Kim (ghi)
Nhịp sống kinh tế