"Trên thành phố, làm quen rồi"
Giờ đây khi các vùng tâm dịch đang dần mở cửa trở lại thì hình thành hai thế cực trái ngược. Người chưa được về quê thì tìm mọi cách để được về nhà, còn người đã được về lại mong muốn sớm trở lại thành phố để tìm việc.
Vợ chồng anh Hậu là một trong những công dân được TP Cần Thơ tổ chức đón về quê. Ở nông thôn, chỉ cần ra đồng là có cái ăn. Dân cư khá thưa thớt nên không lo lắng dịch bệnh. Đây chính là lý do mà vợ chồng anh quyết định đăng ký về quê.
Cái ăn không lo nhưng cuộc sống không được gọi là sung túc. Điều an ủi nhất là ở quê được sống gần người thân trong lúc dịch bệnh phức tạp.
Nhiều người muốn quay lại TP Hồ Chí Minh làm việc sau khi dịch được kiểm soát (Ảnh minh hoạ - Ảnh: TTXVN)
Theo ngành chức năng thành phố Cần Thơ, đa phần những người dân mong muốn về lúc này là để tránh dịch. Khi nào TP Hồ Chí Minh mở cửa trở lại, bà con cũng sẽ trở lên tìm việc làm bởi ở quê nhu cầu việc làm không nhiều, thu nhập khá bấp bênh nên khó có thể tích luỹ.
"Làm trên thành phố cũng quen rồi, ở đây không có nhiều công việc để làm", chị Lê Thị Tuyết Anh - người dân TP Cần Thơ chia sẻ.
Mong muốn của chị Tuyết Anh cũng là mong muốn của nhiều lao động ở ĐBSCL hiện nay. Dịch bệnh được kiểm soát, bà con sẽ trở lại TP Hồ Chí Minh hoặc Đồng Nam Bộ để tìm việc làm, ổn định cuộc sống.
Nỗi lo người ở lại
Không chỉ các tỉnh ĐBSCL mà lao động ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ cũng trong tình cảnh tương tự. Như tại tỉnh Phú Yên đã đón gần 15.500 công dân từ phía Nam về quê, trong đó TP Hồ Chí Minh nhiều nhất với hơn 12.000 người, chưa kể những người về tự do.
Nhiều người may mắn được tỉnh đón về quê tránh dịch, điều này giúp người dân an tâm hơn nhưng 3 tháng qua không có việc làm và thu nhập nên nỗi lo của người dân vì thế cũng tăng theo.
Trong gần 15.500 người dân tỉnh Phú Yên sinh sống, học tập và làm việc tại 3 tỉnh phía Nam mà Phú Yên đã đón về, phần lớn đã hết cách ly tập trung và hiện không có việc làm.
Qua khảo sát, phần lớn người lớn tuổi muốn ở lại tỉnh, còn những người trong độ tuổi lao động họ muốn quay trở lại các tỉnh phía Nam, bởi ở đó có nhiều việc làm và cũng cho họ thu nhập cao hơn.
Những người có ý định ở lại quê là nỗi lo thu nhập và việc làm (Ảnh minh hoạ - Ảnh: TTXVN)
Thực tế cho thấy với diện tích đất lúa trên đầu người hiện nay của người dân rất thấp. Chẳng hạn có làng, bình quân mỗi người dân chỉ hơn 600m2 đất ruộng, mỗi năm làm 2 vụ cũng chỉ thu 800kg lúa. Làm ruộng không khiến cuộc sống người dân khá lên.
Do vậy, qua đợt dịch này, Phú Yên khảo sát lại nhu cầu việc làm người dân để ai có nguyện vọng ở lại quê sẽ hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm để hạn chế thấp nhất số người ly nông rồi ly hương.
TP Hồ Chí Minh - địa bàn có nhiều lao động đã rời thành phố khi dịch xảy ra cho biết sẽ tạo điều kiện người dân quay trở lại theo các quy định của ngành y tế, song đến thời điểm này vẫn chưa có quy định cụ thể.
Trước mắt, tinh thần chung là các trường hợp quay trở lại TP Hồ Chí Minh cần có xét nghiệm âm tính COVID-19, những trường hợp chưa được tiêm vaccine sẽ được tổ chức tiêm bổ sung.
Về kế hoạch đón lao động quay trở lại, ngành giao thông vận tải đang nghiên cứu phương án tổ chức giao thông nội bộ và giao thông liên vùng, trong đó có nội dung vận chuyển công nhân, sinh viên, học sinh về quê nay quay lại TP Hồ Chí Minh.
VTV.vn - Hà Nội dự báo nhu cầu sản xuất hàng hoá từ nay đến cuối năm sẽ tăng cao, nhiều doanh nghiệp sẽ gia tăng tuyển dụng lao động các ngành dịch vụ, công nghệ thông tin...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.43815319103901202-91-divoc-uah-neit-oag-oa-moc-ol-ion-euq-o-yah-ohp-hnaht-ial-ort/et-hnik/nv.vtv