Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, 54 triệu liều vắc xin này tiếp tục sử dụng tiêm ngừa ưu tiên cho các khu vực nguy cơ và nguy cơ cao, bao gồm cả Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, trong đó đủ vắc xin tiêm cho nhóm trẻ em từ 12-17 tuổi.
Ông Tuyên lưu ý các địa phương ưu tiên tiêm trả mũi 2 cho các trường hợp đã tiêm mũi 1 và mở rộng tiêm chủng cho các địa phương nhiều khu công nghiệp, đầu mối giao thương, các khu chế xuất, khu du lịch, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu, sản xuất, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…
Về tiến độ tiêm chủng, tính đến ngày 28-9, 12 tỉnh miền Tây tiêm được 3.465.632/3.719.400 liều vắc xin được phân bổ (đạt 93%), trong đó đã tiêm được 2.775.892 liều mũi 1 và 689.740 liều mũi 2.
Riêng 796.200 liều vừa được phân bổ đang được các địa phương triển khai tiếp nhận, tiến hành tiêm tại địa phương.
Cơ bản các tỉnh đạt tiến độ tiêm chủng đề ra, riêng Hậu Giang (87%), Sóc Trăng (82%), An Giang (82%), Kiên Giang (67%) là tỉ lệ tiêm thấp hơn.
12 tỉnh thành miền Tây có từ 15%-35% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, cao nhất là Tiền Giang (35%), Cần Thơ (31%), thấp nhất là Cà Mau (17%), Sóc Trăng (18%), Trà Vinh (18%).
Tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vắc xin trên tổng số dân số từ 18 tuổi trở lên tại Tây Nam Bộ là 4%-8%, trong đó cao nhất là Đồng Tháp, Cà Mau, Hậu Giang mức 8%. Đây là mức khá cao so với nhiều tỉnh thành miền Bắc và miền Trung chưa được phân bổ nhiều vắc xin.
Với số vắc xin 54 triệu liều dự kiến tiếp nhận trong tháng 10, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều tính đến hết tháng 10, nâng tỉ lệ tiêm chủng lên hơn gấp đôi so với hiện nay. Bộ Y tế cũng vừa có văn bản nhắc các địa phương tiêm thật nhanh, do vắc xin chuẩn bị về nhiều.
Thứ trưởng Tuyên cũng đề nghị các tỉnh Tây Nam Bộ có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động làm việc với các tỉnh thành Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Bước vào giai đoạn mới của phòng chống dịch, dự kiến tuần sau, Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng, an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch COVID-19.
Trên cơ sở hướng dẫn, địa phương đang trong lộ trình nới lỏng giãn cách cần xây dựng và triển khai theo lộ trình thực hiện việc nới lỏng, phục hồi sinh hoạt và hoạt động kinh tế - xã hội thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm, có mục tiêu rõ ràng, có kế hoạch, thời gian, phạm vi giãn cách, tận dụng thời gian giãn cách để kiểm soát dứt điểm dịch bệnh.
Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc cộng đồng
Sáng nay 1-10, CDC Hà Nội cho biết Hà Nội đã ghi nhận thêm 5 ca mắc cộng đồng. Trong số này có N.V.H., 41 tuổi, ở Phương Canh, Nam Từ Liêm, bán hàng nội thất tại nhà và thường xuyên di chuyển lên Việt Trì, Phú Thọ. Ngày 30-9, bệnh nhân đến Bệnh viện Medlatec làm xét nghiệm, kết quả dương tính.
Bệnh nhân N.A.T., ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm, nhân viên chăm sóc khách hàng của một ngân hàng tại Cầu Giấy; bệnh nhân S.J.P., 55 tuổi, quản lý tại một công ty và hằng ngày đi làm tiếp xúc nhiều người; T.Y., 51 tuổi, làm việc tại Liễu Giai, Hà Nội; K.M., 30 tuổi, làm việc tại Hưng Yên nhưng đã nghỉ làm ở nhà một tháng nay.
4 người này tới Medlatec xét nghiệm và đều có kết quả dương tính.
Số mắc cộng dồn tại Hà Nội trong đợt dịch này là 3.980 ca, trong đó chủ yếu từ ngày 5-7 đến nay. Với 5 bệnh nhân kể trên và 2 bệnh nhân cộng đồng ghi nhận ngày 30-9, Hà Nội đã ghi nhận 7 ca bệnh cộng đồng trong 2 ngày liên tiếp, trong khi 5 ngày trước đó không có ca cộng đồng nào.
TTO - Tối 30-9, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký quyết định hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không.