Bạn là người hướng nội và bạn đang loay hoay không biết làm thế nào để cởi mở, hòa đồng với thế giới xung quanh? Bạn gặp trở ngại trong giao tiếp và muốn tìm những phương pháp thiết thực, hiệu quả để mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển cho bản thân? Vậy thì hãy đến với bài viết sau đây, bạn sẽ bỏ túi được 4 cách cải thiện kỹ năng giao tiếp cho người hướng nội hữu ích, dễ áp dụng, xóa tan mọi rào cản.
Kỹ năng giao tiếp là một trong những nhân tố hàng đầu quyết định đến thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Sinh ra là người hướng nội, mang những đặc điểm tính cách có phần khép kín, dè dặt và thu mình, kiệm lời hơn mọi người xung quanh có thể không phải là lợi thế giữa thời đại hội nhập thế giới và năng động hiện nay. Điều bạn cần phải làm không phải là thỏa hiệp với những gì bạn có, mà là không ngừng vươn lên, cố gắng thay đổi và hoàn thiện bản thân. Hãy rèn luyện những bí kíp cải thiện kỹ năng giao tiếp sau đây để nâng cấp chính mình, tự tạo cho mình nhiều cơ hội phát triển hơn.
Lên ý tưởng trước cho những cuộc trò chuyện
Nếu bạn không thể làm chủ những gì mình muốn truyền tải trong cuộc trò chuyện hay gặp mặt, bạn cảm thấy lo sợ và bị cảm xúc chi phối, hãy lên ý tưởng, kế hoạch trước cho chúng. Liệt kê ra những gì bạn muốn nói và dành thời gian rèn luyện trước gương sẽ giúp bạn tự tin và mạnh dạn hơn.
Đồng thời, sự chuẩn bị và luyện tập này thể hiện bạn là một người chu đáo, chuyên nghiệp và có tinh thần cầu tiến, luôn không ngừng cải thiện những yếu điểm của bản thân. Những ý tưởng được truyền tải một cách rõ ràng, đầy đủ sẽ tăng cơ hội tiếp cận người nghe, giúp họ hiểu hơn về giá trị của những gì bạn đang truyền tải,
Chủ động tìm kiếm những cơ hội giao tiếp – đánh tan nỗi lo sợ
Không ai có thể tránh những cuộc gặp gỡ, tụ họp với mọi người xung quanh. Điều bạn cần làm là đối diện với nỗi lo sợ giao tiếp, chinh phục và làm chủ nó. Người hướng nội cần mạnh dạn, can đảm và tự tin hơn, hoặc bạn có thể dùng sự can thiệp của một vài liệu pháp tinh thần điều trị chứng lo âu, sợ đám đông làm cản trở khả năng giao tiếp của mình.
Người hướng nội cần phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp, và không điều gì hiệu quả bằng thực hành, chủ động tìm kiếm cơ hội giao tiếp cho mình. Xung quanh ta có rất nhiều người và bạn có thể dành thời gian luyện tập bất cứ lúc nào. Bạn bè, người thân, câu lạc bộ, hội thảo, cuộc thi,… là những nơi bạn dễ dàng tìm được những đối tượng phù hợp với mục tiêu giao tiếp hay sở thích, tính cách để cùng giao tiếp với họ.
Học cách lắng nghe và phản hồi
Một trong những vấn đề thường xuyên gặp phải ở người hướng nội khi giao tiếp đó là khi đến lượt mình phản hồi, họ không biết nói gì cả. Điều này làm chựng lại cuộc trò chuyện, tạo sự gượng gạo và khoảng cách cho cả hai. Một lời khuyên dành cho người hướng nội đó chính là học cách lắng nghe và phản hồi.
Vậy lắng nghe trong giao tiếp là gì? Lắng nghe chính là tiếp nhận, lĩnh hội thông tin và phân tích, thấu hiểu, đồng cảm với những gì đối phương muốn truyền tải. Bạn cần phải hiểu cả những gì họ không nói thành lời, biết cách suy luận, lồng ghép những mảnh thông tin nhỏ để đi sâu vào tâm trí, suy nghĩ và cảm xúc của họ hiện tại. Điều này thể hiện sự tinh tế, tâm lý trong đặc điểm tính cách con người bạn. Thấu hiểu những gì ẩn chứa bên trong còn giúp bạn tránh được những câu nói không đúng hoàn cảnh, gây tổn thương hoặc chạm đến nỗi đau nào đó giấu diếm bên trong của họ.
Lắng nghe đi kèm với những cử chỉ, phản ứng tích cực, khách quan chính là một cách để phản hồi hiệu quả. Mỗi người đều sở hữu những quan điểm, góc nhìn cá nhân, vì vậy bạn tuyệt đối không nên áp đặt, phán xét người khác theo hướng suy nghĩ của mình. Thay vào đó, bạn nên chú ý tiếp thu với tinh thần lạc quan, tư tưởng cởi mở và hạn chế cái tôi nhất có thể. Sự phản hồi tích cực sẽ giúp cuộc trò chuyện thêm thú vị, ý nghĩa và sinh động. Tương tác giữa hai bên chính là chìa khóa mở ra những chân trời thú vị trong công việc lẫn cuộc sống. Bạn còn cần học cách đặt câu hỏi cho đối phương để thể hiện sự quan tâm, hứng thú của bạn đối với suy nghĩ, quan điểm cá nhân của họ về một vấn đề bất kỳ nào đó.
Không ép bản thân phải thể hiện, bày tỏ nhiều hơn mức cần thiết
Bạn vốn là một người kiệm lời, ít nói và điều bạn cần chú ý trong mọi cuộc trò chuyện đó là không ép bản thân phải thể hiện, bày tỏ nhiều hơn mức cần thiết. Việc này có thể dẫn đến sự quá tải, khó chịu hay sự dè dặt, thiếu tự nhiên giữa cả hai. Làm "lố" hơn những gì bạn có khả năng làm sẽ khiến người khác nhìn bạn với ánh mắt lạ lẫm, kỳ thú.
Bạn chỉ cần truyền tải đúng những gì cần truyền tải cho đối phương, tham gia vào những cuộc trò chuyện khi cảm thấy bạn cần cất tiếng nói và bày tỏ quan điểm cá nhân của mình. Để làm được điều này, bạn cần xem xét toàn diện vấn đề đặt ra để giao tiếp, về tính cấp thiết, khẩn cấp, phần trách nhiệm cũng như kết quả, độ hữu ích mà nó mang lại. Lời nói của bạn cũng sẽ có trọng lượng và được xem trọng hơn khi bạn không cố gắng nói những điều vô nghĩa, gượng gạo.
Trong những cuộc tụ họp, nếu bạn cảm thấy không thể hoà hợp ngay với mọi người, hãy đem theo một cuốn sách bên mình. Mọi người đều tôn trọng quyền riêng tư của người khác, và việc bạn đọc sách là một điều hoàn toàn xứng đáng được tôn trọng. Đây là một cách để giết thời gian, xoá bỏ sự khó xử khi không biết nói gì hay tránh những hoạt động nhóm không cần thiết, thay vì giả vờ năng động và hoà hợp với mọi người.
HR Insider
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.98944448010011202-ion-gnouh-iougn-ohc-peit-oaig-gnan-yk-neiht-iac-hcac-4/nv.zibefac