Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: AFP
Thỏa thuận quân sự giữa Pháp và Hy Lạp mới đây được đánh giá có thể là viên gạch đầu tiên để xây dựng sự "tự chủ chiến lược của châu Âu" mà ông Macron đang thúc đẩy sau khi Paris bị "xù" hợp đồng tàu ngầm.
Dù vậy, chiến lược nhằm giúp Liên minh châu Âu (EU) bớt phụ thuộc Mỹ về quốc phòng và các công nghệ nhạy cảm của ông Macron cũng khiến một số thành viên EU lo ngại.
"Châu Âu hãy thôi ngây thơ"
Trong cuộc họp báo ngày 28-9 với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis sau khi ký thỏa thuận hỗ trợ quân sự, trong đó có việc Paris bán tàu chiến cho Athens, ông Macron tuyên bố: "Châu Âu hãy thôi ngây thơ. Chúng ta cần phản ứng và cho thấy chúng ta có sức mạnh, năng lực để tự phòng vệ".
Trong phát biểu đầu tiên kể từ sau thỏa thuận AUKUS mà Paris gọi là "cú đâm sau lưng" từ các đồng minh, Tổng thống Pháp cũng kêu gọi châu Âu tự chủ hơn trong khi Mỹ đang chuyển quan tâm về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Quốc.
Thực tế là ông Macron đã đề xướng ý tưởng tự chủ chiến lược và một "quân đội thật sự của châu Âu" nhiều năm qua, trong bối cảnh lợi ích và quan điểm giữa hai bờ Đại Tây Dương ngày càng xa nhau.
Sự "ngây thơ" của châu Âu, trong mắt ông Macron, chính là việc đặt niềm tin vào Mỹ, trong khi Washington sẵn sàng bỏ quan hệ với đồng minh châu Âu để theo đuổi một liên minh chống Trung Quốc mà châu Âu không mặn mà.
Theo nhà phân tích Pierre Morcos thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), thỏa thuận với Hy Lạp là bước đầu nhằm đưa châu Âu thành một trụ cột của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). "Nó tiếp nối nỗ lực trong nhiều năm của Pháp nhằm củng cố uy tín quân sự của châu Âu" - ông Morcos nói.
"Sự lựa chọn của Hy Lạp phù hợp với ý chí về chủ quyền mạnh mẽ của châu Âu và một lần nữa hiện thực hóa sức mạnh hợp tác song phương của chúng ta. Nó cho thấy ngành công nghiệp hải quân Pháp có thể cung cấp cho các đối tác một tiêu chuẩn tốt nhất thế giới" - thông báo của Bộ Quốc phòng Pháp viết.
Ông Macron đã nhìn đúng khi cho rằng Mỹ sẽ theo đuổi lợi ích riêng của mình dù phải đánh đổi lòng trung thành với các đồng minh lâu năm.
Cây bút Henry Olsen của báo Washington Post nhận định.
Thế khó của Paris
Quan điểm về một châu Âu tự chủ chiến lược chắc chắn sẽ còn được ông Macron thúc đẩy, khi Pháp làm chủ tịch luân phiên của EU năm 2022. Đây là cơ hội để Paris thay thế vai trò dẫn dắt của Đức sau khi Thủ tướng Angela Merkel mãn nhiệm.
Tuy nhiên, Pháp đang ở thế khó bởi muốn làm như vậy họ sẽ cần sự ủng hộ của các nước láng giềng, nhất là Đức.
"Ông Macron không thể lãnh đạo châu Âu một mình. Ông ấy phải hiểu sẽ cần thận trọng... Bà Merkel giữ một vị trí phi thường. Bà ấy lắng nghe mọi người, tôn trọng mọi người" - Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu bình luận. Dĩ nhiên Paris thừa hiểu sức mạnh quân sự của Mỹ vẫn rất quan trọng với châu Âu.
Nhiều nước châu Âu lo ngại ông Macron có thể đi quá xa khi tìm cách giảm lệ thuộc vào Mỹ. Đã có những ý kiến bày tỏ sự không đồng thuận.
"Tôi sẽ luôn phản đối bất cứ ai tìm cách phá hoại hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Đan Mạch, châu Âu và Mỹ có thể sống trong an toàn và an ninh hàng thập niên qua là nhờ sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương đã phát triển từ đống tro tàn của các cuộc thế chiến" - Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gay gắt nói ngày 25-9.
Hãng tin Bloomberg cho biết Pháp đã khiến nhiều nước đồng minh bực mình khi ngăn chặn các nỗ lực hiện đại hóa NATO và gây chia rẽ trong Ủy ban châu Âu. Pháp đã thuyết phục EU cắt bớt tuyên bố chung cuộc họp giữa Ủy ban Thương mại và công nghệ với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Katherine, bỏ bớt các ý như "phụ thuộc lẫn nhau" trong tuyên bố. Những ý kiến phản đối cho rằng Paris đang hành động vì lợi ích riêng.
Nhưng ngay cả khi chiến lược của ông Macron đúng, câu hỏi quan trọng là châu Âu đã sẵn sàng để tự chủ hay chưa. "Chúng ta thậm chí không thể trông coi sân bay ở Kabul. Có một khoảng cách rất lớn giữa khả năng phân tích và năng lực hành động của chúng ta - ông Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Mỹ, nhận định với Tổ chức Atlantic Council - Tôi không chắc châu Âu đã sẵn sàng để đối mặt thách thức đó".
Sau khi Kabul rơi vào tay Taliban hồi giữa tháng 8-2021 khiến Mỹ và các đồng minh phải gấp rút di tản trong hỗn loạn, đã có những ý kiến ở châu Âu nói cần giảm phụ thuộc vào Washington. Ứng viên thủ tướng Đức Armin Laschet mô tả việc rút quân là "thất bại lớn nhất mà NATO từng chứng kiến kể từ khi thành lập". Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khi đó đề xuất nước này nên "tham gia các liên minh khác nhau và không phụ thuộc vào một quốc gia".
TTO - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định việc Úc hủy hợp đồng tàu ngầm với Paris không thay đổi chiến lược của Pháp tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy vậy, ông Macron cảnh báo châu Âu bớt ngây thơ sau vụ việc.
Xem thêm: mth.59635950203901202-ym-taoht-ed-gnas-nas-ad-ua-uahc/nv.ertiout