vĐồng tin tức tài chính 365

TPHCM: Giá thực phẩm tại nguồn giảm, giá bán lẻ vẫn rất cao

2021-10-01 10:54

Cụ thể, tại nhiều điểm bán lẻ, giá thịt heo các loại như đùi, ba chỉ, sườn non… từ 130.000 - 280.000 đồng/kg; gà ta 140.000 đồng/kg; trứng gà ta 45.000 - 50.000 đồng/chục. Giá hầu hết các loại rau, củ như cải, rau muống, mồng tơi, bầu, bí… đều cao gần gấp đôi so với trước dịch, dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg; rau gia vị các loại 80.000 - 100.000 đồng/kg; tôm 260.000 đồng/kg…

Ngay cả những mặt hàng thường ít biến động giá như bún tươi, đậu hũ, thịt bò, bột mì… hiện cũng đứng ở mức giá cao. Giá bún tươi bình thường là 12.000 đồng/kg, nay lên đến 20.000 đồng/kg; đậu hũ từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng/miếng; thịt bò loại một từ 290.000 đồng lên 320.000 đồng/kg, bột mì từ 25.000 đồng/kg giờ lên đến 50.000 đồng/kg…

Điều đáng nói là hầu hết các nhóm hàng kể trên có nguồn cung dồi dào, giá bán sỉ ổn định, chỉ có bột mì là khan hiếm do trong thời gian qua các nhà sản xuất giảm sản lượng cung ứng khi thực hiện “ba tại chỗ”. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất mặt hàng này khẳng định dù giảm sản lượng nhưng họ không tăng giá bột mì, vẫn giữ giá bán sỉ ổn định. 

Giá bán lẻ thực phẩm ở TP.HCM cao khiến người tiêu dùng  gặp nhiều khó khăn hơn - ẢNH: N.CẨM
Giá bán lẻ thực phẩm ở TP.HCM cao khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn hơn - Ảnh: N.Cẩm

Theo ông Đào Văn Đức - Phó Giám đốc Hợp tác xã Phước An Bình Chánh - giá rau củ ngoài thị trường tăng cao là do người bán tự ý tăng giá chứ giá rau củ tại vườn ổn định, chỉ có rau cải tăng nhẹ 10%. Tất cả các loại rau củ đang có xu hướng giảm giá trong tháng 10/2021 khi thành phố mở cửa, sản xuất tăng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn. 

Trong khi giá thịt heo bán lẻ ngoài thị trường đang rất cao thì giá heo hơi xuất chuồng lại thấp, chỉ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết, giá heo hơi hiện ở mức thấp nhất trong gần ba năm qua do nhu cầu tiêu dùng thịt tại TPHCM giảm mạnh. Bình thường TPHCM tiêu thụ 6.000 - 7.000 con heo/ngày nhưng trong thời gian giãn cách, mức tiêu thụ giảm còn 1.000 con/ngày. Theo ông Nguyễn Kim Đoán, tháng 10/2021 mặc dù thành phố mở cửa nhưng nhu cầu của người tiêu dùng sẽ chưa tăng cao, các bếp ăn công ty, xí nghiệp, trường học chưa hoạt động lại nên giá heo hơi vẫn sẽ ở mức thấp, khó trở lại mức giá trước giãn cách là 70.000 đồng/kg. 

“Hiện nay, heo hơi đang bị khủng hoảng thừa cục bộ, tác động khiến giá heo hơi toàn quốc giảm còn dưới 50.000 đồng/kg, thậm chí có trại còn bán dưới 30.000 đồng/kg. Trong tháng 10/2021, nếu nhu cầu thị trường tăng thì cũng chỉ giải quyết được lượng heo hơi thừa trong mấy tháng nay”, ông Nguyễn Kim Đoán cho biết. Ông cũng lo ngại tình trạng nhập khẩu thịt heo ồ ạt khiến thị trường trong nước đã khó càng khó hơn, người chăn nuôi sẽ rất khó khăn trong việc tái đàn. 

Trên bình diện cả nước, số liệu Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, sau hai tháng liên tiếp giá thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, bình quân giá thực phẩm tháng 9/2021 giảm 0,3% so với tháng trước do nguồn cung thực phẩm được bảo đảm nên người dân không còn tâm lý mua gom tích trữ. Tuy nhiên, một số mặt hàng thực phẩm có giá tăng so với tháng 8/2021. 

Cụ thể, giá thủy sản tươi sống tăng 0,03%; trong đó, giá cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 0,21%; giá thủy hải sản tươi sống khác tăng 0,07%. Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 0,36%. Giá tăng cao nhất là bắp cải với 1,88%; su hào tăng 1,24%; rau muống tăng 0,77%; các loại củ quả tăng 0,64%; rau gia vị tươi hoặc khô các loại tăng 0,54%; rau tươi khác tăng 0,36%… Giá quả tươi và chế biến tăng 0,41%; trong đó giá xoài tăng 1,88%, táo tăng 1,48%, chuối tăng 0,88%...

Việc giá xăng tăng cao cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo ngại chi phí sản xuất, kinh doanh tăng thêm. Dù vậy, theo phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - giá xăng trong nước phụ thuộc vào giá xăng thế giới. Vì vậy, DN phải tự cân đối, quản lý thế nào cho hợp lý nhất để giữ giá thành sản phẩm. Trong bối cảnh cạnh tranh, DN nào quản trị tốt, tiết giảm được chi phí sản xuất, kinh doanh; đảm bảo giá thành sản phẩm ổn định sẽ thành công. Để phục hồi sản xuất, kinh doanh trở lại trong trạng thái “bình thường mới”, các DN cần nâng cao năng lực quản trị, cố gắng tiết giảm chi phí, chủ động chứ không nên trông chờ vào Nhà nước. 

Nguyễn Cẩm

Xem thêm: lmth.4127441a-oac-tar-nav-el-nab-aig-maig-nougn-iat-mahp-cuht-aig-mchpt/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ TPHCM: Giá thực phẩm tại nguồn giảm, giá bán lẻ vẫn rất cao ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools