Ngày 1/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp cùng Cơ quan Thường trú Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) tại ĐBSCL và Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo Kinh tế quý IV và triển vong năm 2022” dưới hình thức trực tuyến.
Hội thảo tập trung phân tích bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước trong đại dịch Covid 19 và những thách thức phải đối mặt để các nhà quản lý địa phương và doanh nghiệp ĐBSCL nắm bắt xây dựng chính sách và kế hoạch kinh doanh thích ứng trong giai đoạn phục hồi.
Doanh nghiệp đau, cả nền kinh tế ốm
Phát biểu tại Hội thảo TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm cả nước có 85.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là trên 90.000 doanh nghiệp. Chưa kể đến số lượng không nhỏ doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường nhưng chưa thể làm thủ tục giải thể phá sản do dịch bệnh.
Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp được thành lập mới. Bình quân một tháng có 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, gây hệ luỵ cho nền kinh tế.
"Và điều nghiêm trọng hơn là ngay cả các doanh nghiệp còn hoạt động thì phần lớn cũng đang kiệt quệ, nhiều doanh nghiệp "chết lâm sàng"", TS.Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Trên phương diện lao động và việc làm, trong quý III/2021, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm 2,4 triệu người so với quý trước.
"Nghĩa là đội quân thất nghiệp đã tăng 2,4 triệu người, chỉ trong một quý. Đằng sau 2,4 triệu người lao động cũng là sinh kế của ngần ấy gia đình. Đó là một con số khủng khiếp, rung lên hồi chuông báo động cho chính sách an sinh xã hội", ông Lộc phân tích.
Dẫn lại dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5,6% trong năm 2021- mức phục hồi lớn nhất trong vòng 80 năm qua, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp, phải đứng ngoài tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là các đối tác chiến lược của chúng ta theo các hiệp định thương mại tự do đang phục hồi, nỗ lực nối lại các chuỗi cung ứng và các đối thủ cạnh tranh cũng đang tái khởi động và tranh thủ các đơn hàng.
“20-30% các đơn hàng của một số nhãn hàng lớn đã chuyển đi trong những tháng qua. Các doanh nghiệp FDI không chờ đợi, các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của những tập đoàn lớn đã dừng lại, không tiếp tục triển khai, nhà đầu tư do dự”, ông Lộc thông tin thêm.
Từ những nhận định trên, TS.Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Giải cứu nền kinh tế, giải cứu doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp bách.”
Cỗ máy trợ thở của nền kinh tế
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, với sự chuyển hướng kịp thời và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 2 tuần qua, dịch bệnh đã được kiểm soát bước đầu tại Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác … Và chúng ta đang đứng trước cơ hội ngàn vàng để có thể nới lỏng giãn cách, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế.
“Mở cửa là con đường không thể nào khác được. Và chúng ta có điều kiện thuận lợi để mở cửa nền kinh tế khi đang kiểm soát khá tốt bệnh dịch”, ông Lộc khẳng định.
Bàn về tính cấp thiết cần ban hành ngay tài liệu hướng dẫn “Thích ứng (hay sống chung), an toàn với Covid” để xác lập kịch bản và các khuôn khổ hành xử của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là một công cụ quan trọng để chúng ta có thể chủ động và kiên định chung sống an toàn với dịch bệnh, tránh lúc “đóng”, lúc “mở”; lúc “siết”, lúc “buông”; trên nói một đằng, dưới làm một nẻo; tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chặn; quận, huyện bảo doanh nghiệp được vận hành, xã phường bảo người lao động “ở đâu yên đó”, “ngăn sông, cấm chợ”, làm khó doanh nghiệp, làm khổ dân sinh.
Theo, đó, sau khi có cẩm nang thì các điạ phương không phải xin phép Trung ương, doanh nghiệp và người dân không phải chờ phê duyệt của chính quyền, doanh nghiệp có thể chủ động các phương án dự phòng để duy trì sản xuất, các chủ nhãn hàng quốc tế có thể yên tâm vào khả năng thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đối với cả nước, thông điệp của Việt Nam lúc này phải là: Việt Nam đã mở cửa, tái khởi động phục hồi nền kinh tế, Việt Nam đã đang và sẽ là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư.
“Trong giãn cách hay phong toả, mỗi xã, phường là một “pháo đài” là phù hợp, nhưng trong công cuộc tái thiết phục hồi kinh tế thì phải xuất phát từ quan điểm: mỗi phường xã là một “tế bào” trong một cơ thể sống của nền kinh tế quốc dân. Phải kết nối để người lao động trở lại công trường, để vật tư nguyên liệu về nhà máy, hàng hoá đến thị trường, muốn vậy cả vùng, cả nước phải chung tay mở cửa”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Đề cập về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng cần triển khai theo 5 mũi giáp công:
Một là mở cửa thị trường, đây là "cỗ máy trợ thở" lớn nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế lúc này.
Hai là đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính. Hiện nay là thời cơ tốt cho sự đồng thuận, chung tay, đẩy nhanh cải cách.
Ba là thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ, an sinh. Các biện pháp hỗ trợ không chỉ cứu các doanh nghiệp khó khăn mà còn nhằm thúc đẩy các ngành và doanh nghiệp có tiềm năng phát triển.
Bốn là triển khai chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là các kiến thức và kỹ năng về tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Năm là tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư kết nối lại các chuỗi cung ứng và mở mang thị trường cho doanh nghiệp.
Cũng theo chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, mỗi địa phương và doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mình kịch bản về kế hoạch sống chung và phục hồi nền kinh tế của riêng mình, gắn với đặc điểm, điều kiện của mỗi địa phương, doanh nghiệp.