Mặc dù Tổng cục Thống kê chỉ đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 2,5-3%, nhưng chuyên gia kinh tế dự báo GDP ở mức cao hơn.
Chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng GDP đạt 4%
Mặc dù ông Nguyễn Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, dựa vào tăng trưởng 9 tháng của năm, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 dự báo về tăng trưởng cả năm 2021: Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 2,5%. Để đạt được mức trên, thì tăng trưởng quý IV/2021 phải đạt 5,3%.
Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 3%. Để đạt được mức này thì tăng trưởng quý IV phải đạt 7,1%. Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Hiếu, với kịch bản 1 thì mức tăng trưởng quý IV đạt 5,3%, mức này cao hơn quý I với 4,48% nhưng thấp mức 6,61% của quý II, nên sẽ khả thi hơn là kịch bản 2.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cũng dự báo mức tăng GDP năm 2021 dự báo khoảng 2,5-3%.
Tuy nhiên, sau khi phân tích các chỉ số, điểm lại các điểm sáng như: Tiềm năng kinh doanh số còn rất lớn; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể đạt mức 630-650 tỉ USD; nguồn lực dân cư còn đáng kể; hệ thống thanh khoản ổn định… PGS.TS Nguyễn Thường Lạng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn ở mức lạc quan 4%.
“Lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo đã duy trì khá thành công trong làn sóng COVID-19 vừa rồi và hy vọng sẽ nhanh chóng nối lại nhịp gián đoạn trong điều kiện bình thường mới; thu hút đầu tư nước ngoài vẫn nhiều tín hiệu tích cực; giải ngân đầu tư công đẩy mạnh sau giãn cách... sẽ tạo đà cho tăng trưởng” – PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.
Nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm sáng
Trao đổi với PV Lao Động trưa 1.10, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nêu rõ những "điểm sáng" sản xuất các ngành vẫn diễn ra mặc dù có chậm lại, giá trị mới vẫn được tạo ra. Diện tích gieo trồng và vật nuôi vẫn duy trì, nguồn lực xã hội không bị lãng phí.
Ước tính 9 tháng năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1.402,7 nghìn tấn, tăng 4,3%; sản lượng sữa bò tươi đạt 856,6 nghìn tấn, tăng 11%; sản lượng trứng gia cầm đạt 12,8 tỉ quả, tăng 4,3%...
Đó là những kết quả kinh doanh đầy ấn tượng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất hiện nay.
“Đầu tư nước ngoài vẫn tăng đáng kể cho thấy môi trường đầu tư vẫn có sức hấp dẫn rất cao đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu của khu vực FDI này vẫn được duy trì khá tốt do tổ chức chuỗi xuất khẩu ổn định, hiệu quả, sức chống chịu cao. Đầu tư công vẫn còn nhiều dư địa có thể đẩy nhanh tiến độ sau giãn cách. Những điểm sáng này cần được khơi dậy để đẩy mạnh tăng trưởng”- PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.
Trao đổi với PV Lao Động, doanh nhân Nguyễn Liên Phương – Chủ tịch Nhóm Công ty LPVN tại Việt Nam và UAE, cũng đánh giá cao khi nguồn cung nông sản đã đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp.
TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - cũng đánh giá, độ phủ vaccine đang tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các khu đô thị lớn, trung tâm kinh tế; dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát; lạm phát tăng thấp dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững; mặt bằng lãi suất bình quân giảm… là những điểm sáng lạc quan hiện nay.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, mặc dù GDP quý III/2021 âm sâu 6,17% kéo tăng trưởng 9 tháng chỉ ở mức 1,42%, nhưng nhìn trong tổng thể bức tranh chung vẫn nhiều điểm sáng. Trong bối cảnh khó khăn, khu vực nông, lâm sản và thủy sản vẫn giữ được vai trò “trụ đỡ kinh tế”. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung.
Xem thêm: odl.132959-1202-man-pdg-gnourt-gnat-cum-ev-nauq-cal-aig-neyuhc/et-hnik/nv.gnodoal