vĐồng tin tức tài chính 365

Thiếu điện trầm trọng, Trung Quốc tăng nhập cả loại than "bẩn nhất thế giới", đẩy giá tăng vọt

2021-10-02 03:41

Trung Quốc đang trả mức giá cao kỷ lục cho loại than đá được coi là "bẩn nhất", cho thấy cuộc khủng hoảng điện mà nước này phải đối mặt đang ảnh hưởng lớn đến thị trường năng lượng châu Á như thế nào.

Theo chia sẻ từ các trader, tuần này giá than nâu (lignite) nhập khẩu từ Indonesia đã tăng lên mức 110 – 120 USD/tấn do nhu cầu từ Trung Quốc tăng vọt trong khi sản lượng khai thác được từ các mỏ ở Kalimantan sụt giảm. Năm ngoái giá chỉ vào khoảng 20 – 25 USD/tấn.

Than nâu là loại than đá có hạng thấp nhất do mức độ sinh năng lượng tương đối thấp, trong khi lại có lượng phát thải cao hơn nhiều so với than đen, do đó được coi là loại nhiên liệu bẩn nhất thế giới. Tuy nhiên nhu cầu từ Trung Quốc tăng vọt đang làm dấy lên lo ngại về lượng khí thải carbon mà Trung Quốc sẽ thải ra trong mùa đông này.

Thông thường thì than nâu sẽ được sử dụng kết hợp với các loại than có độ sinh năng lượng cao hơn. Vì quá thiếu điện, hiện Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty quốc doanh phải đảm bảo nguồn cung điện cho mùa đông này bằng mọi giá. Có lẽ vì vậy mà Trung Quốc tăng mua than nâu.

Kể từ đầu năm đến nay, nguồn cung than nâu bị thắt chặt vì tình trạng lụt lội ở Kalimantan. Indonesia là nhà cung cấp than lớn nhất cho các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc.

Ngoài ra lệnh cấm nhập khẩu than từ Australia của Bắc Kinh đang buộc nền kinh tế lớn nhất châu Á phải tìm đến những nguồn khác. Trong khi than từ Australia thường là những loại có chất lượng cao hơn, giờ đây Trung Quốc phải nhập cả những loại có chất lượng thấp hơn từ Indonesia, Nga, Nam Phi và cả Mỹ.

Vì sao Trung Quốc "khát" than đến vậy?

Quay trở lại cuối năm 2020, Trung Quốc quyết định ngừng mua than đá của Australia. Nguyên nhân là do căng thẳng chính trị giữa hai nước leo thang sau khi Australia ủng hộ điều tra nguồn gốc Covid-19 cũng như cách Bắc Kinh xử lý đại dịch.

Trung Quốc đã mất đi nguồn nhập khẩu than lớn nhất đúng lúc thời tiết mùa đông 2020 lạnh kỷ lục, khiến nhu cầu than tăng vọt. Một số thành phố đã phải giới hạn lượng điện mà các hộ gia đình và các nhà máy có thể sử dụng.

Hòa chung đà tăng của giá hàng hóa toàn cầu, giá than đá chuyên sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện cũng tăng hơn 40% trong 12 tháng, lên gần 120 USD/tấn vào tháng 12/2020.

Mùa xuân 2021, chính phủ Trung Quốc họp và thông qua các mục tiêu cho kế hoạch 5 năm, trong đó có mục tiêu đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2030. Nước này kỳ vọng trong 5 năm nữa nhiên liệu phi hóa thạch sẽ chiếm khoảng 20% tổng lượng tiêu thụ năng lượng, so với mức 15% hiện nay.

Tuy nhiên, nỗ lực chuyển sang năng lượng tái tạo đã đụng phải đợt hạn hán nghiêm trọng ở trung tâm thủy điện Vân Nam. Tháng 7 và tháng 8 vừa qua, mỗi tháng công suất điện từ các nhà máy thủy điện giảm hơn 4% so với cùng kỳ.

Trong tháng 8, sản lượng điện gió cũng chỉ tăng 7% so với 1 năm trước, so với mức 25,4% của tháng 7.

Tồi tệ hơn là cùng lúc đó nhu cầu điện của các nhà máy Trung Quốc tăng lên rất nhanh vì phải chạy đua với thời gian để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu ồ ạt đổ về từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều cụm, khu công nghiệp ở vùng duyên hải phía Đông như Quảng Đông, Chiết Giang, Giây Tây và Sơn Đông đã cảnh báo về tình trạng thiếu điện.

Nguồn cung than sụt giảm mạnh vì các mỏ phải đóng cửa để phục vụ chiến dịch cắt giảm khí thải carbon. Đến tháng 8, lượng than dự trữ của các nhà máy nhiệt than lớn chạm đáy thấp nhất 10 năm.

Giữa tháng 8, 20 địa phương đóng góp 70% GDP cả nước (theo tính toán của Nomura) bị tuyên bố không đạt được các mục tiêu về carbon. Điều này càng thôi thúc các địa phương hành động quyết liệt hơn.

Tác động kinh tế ra sao?

Việc nhiều địa phương, mà trong đó bao gồm nhiều trung tâm xuất khẩu, cắt điện khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ, Quảng Đông chiếm tới 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Liêu Ninh chiếm 1,6%. Giá cước vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang bờ Tây nước Mỹ đã ngay lập tức giảm từ mức 15.000 USD xuống còn 9.000 USD/container do nhu cầu sụt giảm mạnh.

Tình trạng thiếu điện cũng khiến các doanh nghiệp nước ngoài tạm trì hoãn quyết định có nên đầu tư nhiều hơn vào chuỗi cung ứng đặt ở Trung Quốc hay không. Theo Johan Annell, chuyên viên tại hãng tư vấn Asia Perspective, một số doanh nghiệp từng dự định đầu tư hàng chục triệu USD vào Trung Quốc giờ đang chuyển hướng sang Đông Nam Á.

Dan Wang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Hang Seng China, nhận định những ảnh hưởng từ lệnh hạn chế sử dụng điện mà các nhà máy Trung Quốc phải gánh chịu cũng giống như các thiệt hại từ thiên tai.

Tuy nhiên có nhiều chuyên gia cho rằng hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn thế. "Cuộc khủng hoảng thiếu điện không ảnh hưởng quá lớn, nhưng kết hợp với âm hưởng mà vụ Evergrande gây ra cho lĩnh vực bất động sản, chiến dịch trấn áp các công ty công nghệ và nguy cơ dịch bệnh rình rập, GDP quý 4 sẽ gặp nhiều khó khăn", Zhiwei Zhang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Pintpoint Asset Management nhận định.

Tham khảo CNBC, Bloomberg

Xem thêm: nhc.76134815110011202-tov-gnat-aig-yad-ioig-eht-tahn-nab-naht-iaol-ac-pahn-gnat-couq-gnurt-gnort-mart-neid-ueiht/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thiếu điện trầm trọng, Trung Quốc tăng nhập cả loại than "bẩn nhất thế giới", đẩy giá tăng vọt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools