Ngày 1-10, VCCI TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VN), Đài Tiếng nói VN tổ chức hội thảo trực tuyến: Bức tranh kinh tế VN và ĐBSCL - Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022.
Ba tháng tới còn phải tính cho nửa năm sau
Mở đầu hội thảo, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nhắc lại công bố mới đây của Tổng cục Thống kê về GDP quý III-2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, là mức giảm sâu nhất kể từ khi VN công bố GDP quý cho đến nay.
Công nhân Công ty hữu hạn kim loại Sheng Bang (Khu công nghiệp Song Mây, Trảng Bom, Đồng Nai) duy trì sản xuất “ba tại chỗ” nhờ đảm bảo các tiêu chí an toàn. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Đáng chú ý, chín tháng đầu năm có 85.500 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, giảm 13,6% nhưng số DN rút khỏi thị trường chiếm tới 90.300 DN, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên số DN rút khỏi thị trường nhiều hơn số DN thành lập mới.
Tại ĐBSCL, số DN phải tạm dừng hoạt động trong ba tháng qua lên tới gần 90%. Các DN có thể duy trì “ba tại chỗ” thì chỉ đạt công suất 5%-10% trong khi nhiều chi phí tăng lên.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC), cũng đánh giá trong số các DN đang hoạt động thì phần lớn DN đang trong tình trạng kiệt quệ, chết lâm sàng. Các DN cho biết không thể trụ được thêm 3-6 tháng tới nếu tình hình không được cải thiện.
Nhìn ra bên ngoài, bức tranh hoàn toàn trái ngược khi nền kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục sau đại dịch. Trong bối cảnh đó, VN có nguy cơ lỡ nhịp trong tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Vừa qua tôi đã tiếp xúc với nhiều DN đại diện đầu tư nước ngoài tại VN thì đúng là có hiện tượng nhiều dự án sản xuất, kinh doanh đã dừng lại và có 20%-30% đơn hàng lớn chuyển đi các quốc gia khác. Một số đơn hàng sẽ tiếp tục chuyển đi nếu chúng ta không khôi phục sản xuất, không cung cấp được hàng cho dịp cuối năm, Giáng sinh, tết Dương lịch. Cũng chính ba tháng cuối năm là thời điểm các DN phải tính phương án sản xuất cho nửa năm tới” - ông Lộc nói.
Theo chủ tịch VIAC, giải cứu DN, giải cứu nền kinh tế đang là vấn đề cấp bách. Rất may, với sự chuyển hướng kịp thời và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong hai tuần qua dịch đã bước đầu được kiểm soát ở TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội và một số tỉnh khác. Nhờ vậy, chúng ta đang đứng trước cơ hội ngàn vàng để nới lỏng giãn cách và mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế.
“Tôi nghĩ áp lực lúc này là mở cửa hay là chết. Ba tháng cuối năm, 100 ngày tới sẽ là thời gian vàng và sẽ là thách thức sinh tử đối với nền kinh tế VN. Nếu chúng ta không đảo chiều được thì nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng âm sâu và không biết bao giờ mới khôi phục lại được. Mở cửa chậm hơn là cái giá phải trả sẽ vô cùng lớn” - ông Lộc nhấn mạnh.
Kịch bản cho mở cửa bền vững
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp ĐH Fulbright VN, cho rằng việc mở cửa nền kinh tế chính là cứu cánh để có sự tăng trưởng trong quý
IV-2021. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng việc mở cửa phải bền vững, không thể quay lại giãn cách trên diện rộng như thời gian qua, vì như thế không thể phục hồi mà còn có thể đổ vỡ kinh tế trong năm 2022.
“Nếu chúng ta mở cửa và thích ứng an toàn từ đầu tháng 10 để DN quay lại sản xuất thì tăng trưởng quý IV-2021 có thể đạt 3,5% so với quý trước. Nếu như mở cửa ngập ngừng, quý IV tăng trưởng thấp hơn 2% thì cả năm tăng trưởng được 1%. Không mở cửa được trong quý IV thì năm 2021 sẽ tăng trưởng âm” - ông Thành phân tích.
Ngoài việc mở cửa trở lại, thích ứng an toàn thì việc phục hồi kinh tế năm 2022 cần sự trợ lực từ cả hai phía tiền tệ và tài khóa, không thể đặt gánh nặng nghiêng về một phía. Cần sự song hành giữa hai chính sách theo hướng hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, thậm chí là kích cầu để có sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.
Ông Thành cũng cho rằng việc mở cửa trở lại cần đi kèm với các điều kiện nới lỏng để các DN có thể hoạt động trở lại mà không cần các yêu cầu như “ba tại chỗ”, việc kiểm soát dịch, quản lý rủi ro bằng cách tuân thủ và giám sát thay vì yêu cầu DN phải xin cấp phép.
Đồng thời, các hoạt động vận tải, logistics cần được nối lại thông thoáng và linh hoạt. Người điều khiển xe và lao động logistics tiêm đủ liều vaccine hoặc có kết quả âm tính trong 72 giờ là tiêu chí an toàn thay cho cấp phép QR luồng xanh. Đó là tiêu chí an toàn chung nhất để hoạt động logistics được lưu thông liên vùng, liên tỉnh.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng Chính phủ cần kiên định với mục tiêu mở cửa nền kinh tế, cần sớm ban hành tài liệu hướng dẫn thích ứng sống chung an toàn với dịch COVID-19 và bản kế hoạch về tái khởi động nền kinh tế.
Khi đã có cẩm nang hướng dẫn về thích ứng, sống chung an toàn với dịch sẽ tránh được tình trạng lúc đóng lúc mở, lúc siết lúc buông, trên nói một đằng dưới làm một nẻo, tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chắn, huyện bảo DN được vận hành bình thường, xã lại bảo người lao động ai ở đâu ở yên đó, ngăn sông cấm chợ vô lối làm khó DN. Nhiều DN chết oan vì điều đó.
Có cẩm nang rồi thì địa phương không phải xin phép trung ương, DN và người dân không phải cần sự phê duyệt của chính quyền. DN có thể chủ động các phương án dự phòng để duy trì sản xuất và các nhãn hàng quốc tế có thể yên tâm rằng các DN VN có thể thực hiện các hợp đồng.
TS Vũ Tiến Lộc cũng cho biết vừa qua Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, TP đã có các kịch bản mở cửa nền kinh tế. Ông cho rằng bên cạnh khung khổ hướng dẫn chung của trung ương thì chúng ta nên ủng hộ các kịch bản mở cửa hoạt động kinh tế của địa phương.•
ĐBSCL cần hướng đến liên kết vùng Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng các tỉnh khu vực ĐBSCL cần chuyển từ theo đuổi phát triển theo từng địa giới hành chính sang phát triển dựa trên không gian kinh tế liên địa phương, liên vùng có cùng ngành hàng. Những địa phương có các điều kiện, đặc điểm tương đồng cần hướng đến liên kết vùng, liên kết khu vực trong không gian mở như một thực thể kinh tế hoàn chỉnh. Còn theo TS Vũ Tiến Lộc thì khu vực ĐBSCL hoàn toàn có thể có kịch bản phối hợp với nhau mở cửa, tùy thuộc điều kiện cụ thể của khu vực này. Bởi như với TP.HCM, không ai hiểu TP.HCM về những mất mát đau thương của những ngày phong tỏa, không ai có thể đề ra cách thức ứng phó, sống chung an toàn với dịch tại đây như chính Đảng bộ và người dân TP.HCM. “Tôi đề nghị trung ương ủng hộ TP.HCM thực hiện điều kiện mở cửa TP phù hợp với đặc thù yêu cầu về dịch tễ và phát triển kinh tế của mình. Bởi vì nếu TP.HCM cũng phải tuân thủ những điều kiện hết sức chặt chẽ như hiện nay Bộ Y tế đang chủ trương thì phải vài tháng nữa TP.HCM mới mở cửa. Như thế trung tâm kinh tế TP.HCM sẽ tê liệt tiếp trong vài tháng nữa, điều đó sẽ vô cùng nguy hiểm không chỉ với TP.HCM mà còn với nền kinh tế quốc gia” - ông Lộc nói. |