Tại Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng của năm 2021 của Công an Tp.HCM vừa diễn ra, Đại tá Lê Quang Đạo, Trưởng phòng Tham mưu Công an Tp.HCM báo cáo, tội phạm trên địa bàn Tp.HCM giảm sâu so với cùng kỳ 2020.
Cụ thể, tội phạm về trật tự xã hội giảm 187 vụ. Chỉ riêng trong tháng 9/2021 tội phạm này giảm 50,7% vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 9 tháng của năm 2021, Công an Tp.HCM ghi nhận 2.891 vụ phạm tội về trật tự xã hội; điều tra khám phá 2.029/2.891 vụ, (đạt 70,2%), bắt 3.081 đối tượng.
- Triệt phá 1.003 vụ phạm tội ma túy, bắt 1.912 đối tượng, giảm 357 vụ so với cùng kỳ. Thu giữ 101 kg heroin, 3,39kg cocain, 70kg cần sa, 690kg ma túy tổng hợp, 11 khẩu súng, 136 viên đạn.
- Phát hiện 586 vụ, bắt 693 đối tượng vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (giảm 314 vụ so với cùng kỳ). Xử phạt vi phạm hành chính số tiền 11,8 tỷ đồng, thu hồi 1.148 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 81,4%).
Tuy nhiên, về tính chất, mức độ lại khá phức tạp. Nổi lên trong số đó là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe có tính chất, cường độ bạo lực tăng.
Đơn cử như vụ con ruột có hành vi làm chết cha ruột (xảy ra vào ngày 7/9/2021 tại quận Bình Tân); vụ cha ruột dùng dao mổ heo đâm chết con trai xảy ra vào ngày 26/5/2021 tại quận Gò Vấp; vụ đối tượng chém hàng xóm do mâu thuẫn tại một con hẻm 654 đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7 vào ngày 26/9/2021 vừa qua...
Những vụ án này đều có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có yếu tổ sử dụng bạo lực và nguyên nhân do mâu thuẫn trong sinh hoạt từ trước hoặc do mâu thuẫn bộc phát.
Cũng theo Đại tá Lê Quang Đạo, tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tính dụng đen” vẫn tiếp tục hoạt động phức tạp. Các đối tượng cho vay thường gọi điện đe dọa gây tâm lý lo sợ cho người vay tiền. Tội phạm xâm phạm sở hữu có giảm vẫn chiếm tỉ lệ khá cao trong cơ cấu tội phạm về trật tự xã hội (chiếm 75,4%), tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Về ma túy, tội phạm này giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19. Thủ đoạn của các đối tượng là thường xuyên trao đổi cách thức giao nhận ma túy trên không gian mạng, sử dụng phương thức chuyển phát nhanh để vận chuyển trái phép chất ma túy nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Nổi lên trong lĩnh vực tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu là hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để sản xuất thuốc phòng ngừa, chữa trị Covid-19 giả và buôn bán găng tay, thiết bị, vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Công an Tp.HCM đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 12 vụ, 14 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa nhập lậu là thuốc tân dược, vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, thu giữ hơn 8.200 hộp thuốc tân dược và hơn 121.000 sản phẩm vật tư y tế các loại. Công an cũng đã phát hiện, xử lý 1 vụ, 4 đối tượng mua bán thuốc điều trị Covid-19 giả tại Trung tâm y tế quận Tân Phú và Bình Tân.
Bên cạnh sản xuất thuốc phòng ngừa, chữa trị Covid-19 giả, Đại diện Phòng Tham mưu Công an Tp.HCM cũng cho biết, một số tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế khá phổ biến là lợi dụng sơ hở trong chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa, chính sách tạm nhập, tái xuất, quá cảnh để buôn lậu và thông qua hoạt động kinh doanh bất động sản, sử dụng hoạt động công nghệ cao để lừa đảo.
Trước tình hình tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe có tính chất, cường độ bạo lực tăng, Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM nhận xét, đối với một số vụ án cụ thể không loại trừ khả năng các đối tượng có dấu hiệu tâm thần do bị đứt đơn thuốc trong lúc thực hiện giãn cách.
Thiếu tướng Nhàn chỉ đạo các đơn vị tăng cường nắm tình hình, nắm địa bàn, đối tượng; đồng thời nắm cả số lượng người nghiện, có bệnh lý về tâm thần để có biện pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời. Các đơn vị rà soát chỉ tiêu công tác, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng chuyển sang trạng thái mới khi Tp.HCM nới lỏng giản cách vào ngày 1/10/2021.
Tuệ Minh (tổng hợp theo VOV, Công an Tp.HCM)