Mọi người thường nghĩ rằng những con tàu du lịch là thiết bị nhân tạo lớn nhất trên đại dương, nhưng ngay cả những "người khổng lồ" của biển đôi khi cũng cần được giúp một tay. Và đó là lúc những chiếc tàu cứu hộ xuất hiện.
Gã khổng lồ nửa nổi nửa chìm
Con tàu này có một boong trung tâm bằng phẳng với không gian mở và hoàn toàn trống không, cùng các cấu trúc lớn giống như bức tường thẳng đứng nhô ra từ các cạnh. Cầu điều khiển và khu sinh hoạt của thủy thủ đoàn nằm ở bên trong một trong số năm "bức tường" đó, khu này lớn và cao hơn đáng kể so với bốn cái còn lại.
Hình dạng kỳ lạ ẩn chứa một hệ thống phức tạp gồm các két dằn, giúp con tàu có thể nửa chìm nửa nổi, chỉ còn phần trên của các cấu trúc thẳng đứng trên mặt nước. Sau đó, các loại hàng hóa khác nhau, có thể là một con tàu khác, có thể trượt lên boong và được buộc chặt đúng cách. Đây được gọi là hoạt động "nâng lên".
Khi hàng hóa đã được đảm bảo trên boong, các két dằn sẽ được làm rỗng để Boka Vanguard nổi lên một lần nữa từ mặt nước, nâng hàng hóa nặng lên cùng với tàu. Sau đó, con tàu có thể bắt đầu cuộc hành trình giống như bất kỳ con tàu nào khác. Khi tàu đã đến đích dự định, quá trình này được đảo ngược lại. Đây là giai đoạn "hạ xuống".
Hình dạng kỳ lạ ẩn chứa một hệ thống phức tạp gồm các két dằn giúp con tàu nửa chìm nửa nổi
Michel Seij, tổng giám đốc kỹ thuật toàn cầu của Boskalis - công ty có trụ ở tại Hà Lan sở hữu Boka Vanguard, cho biết: "Chúng tôi áp dụng định luật Archimedes để nâng một số hàng hóa lớn. Bạn có thể nhớ nguyên tắc Archimedes từ câu chuyện "Tìm ra rồi!", khi cơ thể ngập trong chất lỏng đều bị tác động bởi một lực hướng lên, có độ lớn bằng trọng lượng của chất lỏng bị dịch chuyển bởi cơ thể.
Ngoài việc tham gia vào nhiều nhiệm vụ hàng hải chuyên biệt, từ nạo vét đến lắp đặt các công trình ngoài khơi và trang trại gió, Boskalis còn điều hành đội tàu vận tải hạng nặng bán chìm lớn nhất trên thế giới.
Nhiệm vụ cứu hộ
Điển hình, công ty Boskalis đã hỗ trợ vận chuyển hai tàu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ sau khi bị hư hại trong hai vụ va chạm riêng biệt với tàu buôn ở vùng biển châu Á vào năm 2017 là USS Fitzgerald (DDG-62) và USS John S. McCain (DDG-56). Lần cứu hộ đó không phải là Boka Vanguard mà là hai tàu nâng hạng nặng bán chìm nhỏ hơn, lần lượt là Transshelf và Treasure.
Được đóng vào năm 2012, Boka Vanguard dài 275 mét và là con tàu lớn nhất trong số những "tàu vận tải hạng nặng bán chìm". Thông thường, phương tiện này chuyên chở tàu dầu khí lớn ngoài khơi, nhưng đôi khi sẽ được yêu cầu chở các tàu khác - chẳng hạn như đã xảy ra với tàu du lịch Carnival Vista trước đại dịch.
Carnival Vista là tàu lớn thứ hai trong hạm đội của Carnival, với sức chứa 4.000 hành khách và 1.500 thủy thủ đoàn. Vào tháng 7/2019, một sự cố ở vùng biển Caribe khiến con tàu bắt buộc phải gọi cứu hộ.
Do con tàu nặng 133.500 tấn nên không thể dùng cần trục nâng lên khỏi mặt nước (cần trục lớn nhất thế giới có thể nâng khoảng 20.000 tấn), vì vậy đòi hỏi một phương tiện cứu hộ khá đặc biệt, chính là Boka Vanguard.
Trong trường hợp tai nạn của Carnival Vista, nhu cầu cần đến Boka Vanguard nảy sinh khi hệ thống đẩy của con tàu gặp trục trặc và không có bến tàu cạn nào trong khu vực.
Khi tàu du lịch Carnival Vista gặp sự cố ở vùng biển Caribe vào năm 2019, Boka Vanguard đã được gọi đến để trợ giúp
Người phụ trách hoạt động cập cảng cạn của tàu Carnival Vista cho biết: "Dù có rất ít thời gian, nhưng chúng tôi đã cố gắng điều động con tàu nhanh chóng. Phải mất vài tuần để tàu của chúng tôi từ châu Âu đến Caribe và một tuần nữa để lo mọi việc sắp xếp cần thiết. Các hoạt động tiếp theo rất suôn sẻ và con tàu du lịch đã được vận chuyển an toàn đến Freeport, Bahamas. Trong quá trình này, một phần thủy thủ đoàn của tàu du lịch vẫn ở trên tàu của họ".
Boka Vanguard không chỉ là con tàu lớn nhất trong số những "tàu vận tải hạng nặng bán chìm", khiến việc chứa Carnival Vista dài 325 mét trên boong tiến hành một cách suôn sẻ, mà con tàu còn có thể được sử dụng như một âu tàu di động, dễ dàng cho việc tiến hành bảo dưỡng tàu bị nạn khi đang lênh đênh trên biển hoặc ở cảng.
Ngành công nghiệp dầu khí
Chở tàu không phải là một trong những nhiệm vụ phổ biến nhất đối với loại tàu này. Công việc thiết yếu của con tàu là di chuyển các bệ và thiết bị hạng nặng xung quanh các mỏ dầu khí lớn trên thế giới.
Thông thường tàu chuyên thực hiện các công việc phục vụ ngành dầu khí, chẳng hạn như khi vận chuyển các thiết bị khai thác mỏ Johan Sverdrup đến Na Uy vào năm 2019.