Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri với doanh nghiệp TP.HCM theo hình thức trực tuyến - Ảnh: TTXVN
Mở đầu bài phát biểu trước hơn 150 doanh nghiệp TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ với đồng bào, nhân dân và cử tri TP.HCM vì những đau thương, mất mát quá lớn về sức khỏe, tính mạng của nhân dân TP.
Đồng thời, Chủ tịch nước cũng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với những vất vả, khó khăn, kể cả những thiệt hại đối với sinh kế, kinh tế của TP.HCM do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định giãn cách xã hội.
Chủ tịch nước nhắc lại TP.HCM có gần 15.000 người đã tử vong, hàng ngàn trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ rất thương tâm.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nhân đã phải đóng cửa, giải thể doanh nghiệp, riêng 9 tháng đầu năm có gần 16.000 doanh nghiệp TP ngừng hoạt động và giải thể, GRDP quý 3 của TP.HCM âm 4,39%, 9 tháng đầu năm âm 4,98%...
"Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua, tình hình kinh tế, an ninh xã hội, đời sống nhân dân của TP là vấn đề rất bức bối. Do đó cần phải có giải pháp đặc biệt trong giai đoạn hiện nay" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Dẫn chứng các chỉ số về bán lẻ giảm, Chủ tịch nước nhận định "sức khỏe" của nền kinh tế TP, sức mua của người dân, thu nhập, doanh nghiệp đang bị bào mòn.
Do đó, tại buổi tiếp xúc cử tri đầu tiên này, Chủ tịch nước biểu dương doanh nhân Việt Nam và doanh nhân TP.HCM, dù khó khăn vẫn chung sức hỗ trợ tài lực, vật lực, nhân lực... để cùng chống dịch, hỗ trợ an sinh xã hội.
"Doanh nhân TP.HCM rất kiên cường, tôi rất trân trọng. Những khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, khó khăn lớn nhất nằm ở phía sau, tương lai dù còn gặp nhiều thách thức nhưng ánh sáng đã xuất hiện ở cuối đường hầm. Cơ hội kinh tế đang mở ra không chỉ bù đắp những mất mát đã qua mà còn là cơ hội lớn để bứt phá cho doanh nghiệp" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
"Đảng, Nhà nước và chính quyền TP.HCM cùng các bộ ngành Trung ương đang và sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới dần giãn cách xã hội, giúp phục hồi kinh tế TP.HCM. Đặc biệt sẽ có chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay về tài chính, tiền tệ" - Chủ tịch nước chia sẻ.
Chia sẻ tình hình tổng quan về cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM, ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho biết doanh nghiệp TP vừa trải qua những chuỗi ngày "vô cùng khắc nghiệt".
Tuy nhiên, ông Dũng cho hay các doanh nghiệp đã dốc hết sức chung tay cùng TP phòng chống dịch, đóng góp sức người sức của rất lớn lao để cùng TP chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, chăm lo đời sống, tinh thần cho các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch...
Theo ông Dũng, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã kiên cường vượt khó, tiếp tục duy trì tổ chức sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến"... tuy rất tốn kém, không có lợi nhuận nhưng nhằm đảm bảo đủ nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân. Đồng thời, giữ cho kinh tế TP không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.
"Đã có nhiều doanh nhân, công nhân, người lao động hy sinh vì nhiễm COVID-19, những tổn thất vô cùng lớn lao" - ông Dũng chia sẻ.
Doanh nghiệp đang rất khó khăn
Theo ông Chu Tiến Dũng, hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa từ ngày 9-7 đến nay, chỉ một tỉ lệ chưa đến 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến".
Ông Dũng cho hay tổng số doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất là 1.412 doanh nghiệp với 285.000 lao động, chỉ có 652 doanh nghiệp với 51.000 lao động hoạt động.
Khu công nghệ cao có 115 doanh nghiệp, song chỉ có 63 doanh nghiệp hoạt động với 11.000 lao động. Các doanh nghiệp bên ngoài khu hầu hết nghỉ để phòng chống dịch, chỉ khoảng 15% hoạt động cầm chừng.
Ông Dũng cho hay các doanh nghiệp còn duy trì hoạt động chủ yếu để bảo đảm sản xuất cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân và duy trì chuỗi cung ứng xuất khẩu theo các đơn hàng đã ký kết, duy trì đội ngũ công nhân chủ chốt, nhưng chi phí cao, thua lỗ nặng, không thể kéo dài bền vững được.
"Khách hàng tụt giảm, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dòng tiền bị thu hẹp đáng kể, thậm chí không đủ trả nợ tiền vay và lãi vay đến hạn, chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài bị đứt gãy nghiêm trọng" - ông Dũng nói.
TTO - Các doanh nghiệp '3 tại chỗ' đều báo cáo thua lỗ, chủ yếu bảo đảm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì nguồn lao động chủ chốt của doanh nghiệp.
Xem thêm: mth.97243029020011202-mah-gnoud-iouc-neih-taux-ad-gnas-hna-cuhp-naux-neyugn-coun-hcit-uhc/nv.ertiout