Các bác sĩ thăm khám một người mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Bình Minh (trực thuộc TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM trưa 2-10, số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại TP trong những tuần qua có xu hướng giảm đáng kể.
Cụ thể vào ngày 23-8 TP ghi nhận 340 ca tử vong vì COVID-19, ngày 31-8 là 355 ca thì đến ngày 1-10 giảm sâu còn 96 ca. Đây cũng là số ca tử vong giảm sâu nhất trong vòng 40 ngày qua.
Nhận định những lý do giúp ca tử vong giảm mạnh trong thời gian qua tại TP.HCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng do TP đã đẩy mạnh tiêm vắc xin và tập trung nâng cấp hệ thống điều trị. Người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp chống dịch.
"Trước đây, chúng ta tập trung chủ yếu vào phòng chống dịch. Khi số ca mắc tăng đột ngột thì hệ thống điều trị chưa kịp nâng cấp và khả năng thu dung chưa phù hợp. Cho đến cuối tháng 8, TP đã cung cấp tương đối đủ giường bệnh và oxy cho bệnh nhân" - PGS Đỗ Văn Dũng nói.
Xét nghiệm ở vùng đỏ thuộc phường Tam Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Bên cạnh ca tử vong giảm sâu, ca mắc mới tại TP cũng có xu hướng giảm dần nhưng chưa ổn định "lên - xuống" không đều. Cụ thể nếu như trong ngày 3-8 TP ghi nhận 8.510 ca (ca mắc trong 1 ngày cao nhất từ trước đến nay) thì đến ngày 18-9 giảm còn 4.238 ca.
Tuy nhiên vào ngày 21-9, số ca nhiễm mới lại tăng lên 6.521 ca và lại giảm xuống còn 3.670 vào ngày 1-10 - là số ca mắc thấp nhất kể từ ngày 21-8 đến nay, theo thống kê trên Cổng thông tin COVID-19 của TP.
Đây được xem là nỗ lực xét nghiệm kháng nguyên nhanh đối với toàn bộ người dân thuộc vùng đỏ, vùng cam và xét nghiệm RT-PCR gộp theo đại diện hộ gia đình tại vùng xanh, cận xanh và vàng qua các đợt theo kế hoạch của TP.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tỉ lệ dương tính tại vùng cam và đỏ giảm từ 3,7% (đợt 1) xuống còn 1,1% (đợt 6). Đối với vùng xanh, lần lượt giảm từ 0,9% và 1,8% (đợt 1) xuống còn 0,7% và 0,9% (đợt 3).
Để tiếp tục xét nghiệm bóc tách F0 tại các vùng đỏ và cam, TP.HCM triển khai xét nghiệm đợt 7 theo công văn số 3113 ngày 20-9 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP. Hiện TP đã triển khai 3 vòng lấy mẫu tại vùng đỏ và cam. Tỉ lệ xét nghiệm dương tính vòng 1 là 0,3%, vòng 2 và 3 đã giảm xuống còn 0,2%.
Theo ông Dũng, việc truyền thông xét nghiệm và thực hiện xét nghiệm tại nhiều địa phương trên địa bàn TP còn chưa đồng bộ nên chưa nhận được sự hợp tác hoàn toàn từ phía người dân.
Trước biến chủng Delta còn lây lan nhanh, điều quan trọng cần đẩy mạnh tốc độ phát hiện, cách ly. "Người dân tự phát hiện, tự cách ly vẫn quan trọng. Nếu ai đủ điều kiện cách ly thì nên cách ly tại nhà thì sẽ hợp tác hơn thay vì đưa vào khu cách ly" - ông Dũng chia sẻ.
Trong Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của UBND TP ngày 1-10 nêu một trong các hoạt động y tế cần thực hiện nghiêm trong thời gian tới là công tác xét nghiệm và xác định cấp độ dịch.
Bệnh cạnh đó cần đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin, công tác điều trị và chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng.
TP.HCM đã trải qua ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép nhiều lĩnh vực hoạt động trở lại.
Để góp phần đưa TP.HCM bước sang một thời kỳ mới phát triển, HCDC khuyến cá mỗi người dân không được chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thông điệp 5K, giữ khoảng cách giữa người với người tại nơi công cộng và cả trong không gian làm việc.
TTO - Sáng nay 2-10, CDC Hà Nội cho biết đã ghi nhận thêm 17 ca dương tính trong nhóm bệnh nhân, người nhà được xét nghiệm tại Bệnh viện Việt Đức. Bộ Y tế đã có đề nghị Hà Nội hỗ trợ địa điểm cách ly cho bệnh nhân và nhân viên y tế của bệnh viện.