Đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội dài 111,2km bắt đầu từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, kết thúc tại đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang tạo thành vòng tròn khép kín - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Theo quyết định phê duyệt kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội vừa được bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư - chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước - ban hành, các phiên họp thẩm định dự án tiến hành trong tháng 10-2021.
Hội đồng thẩm định sẽ xem xét 19 nội dung thuộc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội theo phương thức đối tác công - tư (PPP) như: sự phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP, sự cần thiết đầu tư; khả năng bố trí vốn nhà nước trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn nhà nước; dự kiến quy mô, thời gian thực hiện dự án; xác định sơ bộ tổng mức đầu tư…
Nếu Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua dự án sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án rất quan trọng của vùng thủ đô dài 111,2km, tổng mức đầu tư 94.127 tỉ đồng này.
Vào tháng 8-2021, UBND TP Hà Nội đã trình Chính phủ về việc trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội. Đây là báo cáo được UBND TP Hà Nội giao Tập đoàn Vingroup (nhà đầu tư đề xuất dự án) lập.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội theo phương thức PPP có chiều dài 111,2km đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội; điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long thuộc địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; tuyến nối dài 9km từ cuối dự án theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín đường vành đai 4 theo quy hoạch.
Về quy mô, đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội được phê duyệt quy hoạch từ năm 2011 với 6 làn xe cao tốc, có đường song hành 2 bên, hành lang cây xanh, dự trữ mở rộng với tổng chiều rộng 120m, đoạn đi ngoài đê sông Đáy chiều rộng 135m.
Căn cứ nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, phần đường cao tốc vành đai 4 giai đoạn 1 được đầu tư nối thông toàn tuyến với quy mô 4 làn xe, nền đường sống 17m, cầu rộng 17,5m để đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2040, vận tốc thiết kế 100km/h.
Đối với tuyến nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín vành đai 4 theo quy hoạch có 6 làn xe cao tốc, trước mắt đầu tư 4 làn xe với bề rộng 17m để đồng bộ toàn dự án, vận tốc thiết kế 100km/h.
Tuy giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe nhưng việc giải phóng mặt bằng đường vành đai 4 thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch, đầu tư hệ thống đường song hành hai bên với từng đoạn tuyến theo nhu cầu vận tải và tốc độ phát triển của các khu dân cư, đô thị.
Tổng mức đầu tư dự án được xác định sơ bộ khoảng 94.127 tỉ đồng gồm: 24.242 tỉ đồng giải phóng mặt bằng (sử dụng ngân sách trung ương và các địa phương); khoảng 9.399 tỉ đồng làm đường đô thị, đường song hành (sử dụng ngân sách các địa phương); khoảng 60.486 tỉ đồng làm phần đường cao tốc (thực hiện theo phương thức PPP với vốn nhà nước 31.386 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư khoảng 26.056 tỉ đồng, lãi vay khoảng 2.584 tỉ đồng).
Thời gian chuẩn bị dự án trong năm 2021-2022, giải phóng mặt bằng từ 2020-2025, thời gian xây dựng từ 2022-2029.
TTO - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói Hà Nội hiện trong chiếc áo quá chật, đường vành đai 3 tắc suốt ngày đêm nên phải làm đường vành đai 4