Trong giai đoạn bình thường mới giữa mùa dịch COVID-19, việc xét nghiệm COVID định kỳ bằng phương pháp ngoáy mũi tại sở làm, trường học, nơi công cộng… đã và đang trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".
Dù vậy, hiếm có ai quen được với việc phải lấy mẫu xét nghiệm , nhất là với tần suất 1-7 ngày/lần, bởi nỗi đau gây ra khi chiếc tăm bông ngoáy sâu vào hốc mũi có thể khiến nhiều bậc đại trượng phu phải "chực trào nước mắt".
Nỗi ám ảnh với chiếc que ngoáy mũi khiến nhiều người lo sợ việc xét nghiệm định kỳ, mặc dù đó là một trong các biện pháp được nhiều nước áp dụng trước khi đạt được tỉ lệ tiêm chủng đại trà mong muốn. Thương hơn nữa khi nghĩ đến cảnh trẻ con hoặc người cao tuổi phải chịu nỗi đau thể xác này thường xuyên để được trở lại trường học hoặc điều trị nội trú trong bệnh viện.
Chính vì vậy, gần đây đã có nhiều đề nghị và bình luận xung quanh việc sử dụng nước bọt (nước miếng) thay cho dịch ngoáy mũi trong xét nghiệm COVID.
Sự thật: Sử dụng nước bọt không phải là dùng bông tăm thấm nước bọt dưới lưỡi
Phương pháp dùng nước bọt được nghiên cứu và phát triển trên thế giới từ những tháng đầu của năm 2020 thật ra là phải nhổ nước bọt vào một ống thu, KHÔNG PHẢI dùng bông tăm thấm nước bọt dưới lưỡi.
Bộ dụng cụ tự lấy mẫu nước bọt để xét nghiệm đầu tiên được FDA chấp nhận tại Mỹ vào tháng 4/2020. Sản phẩm này do Đại học Rutgers hợp tác phát triển. Người được lấy mẫu có thể mở bộ dụng cụ, nhổ vào ống, đậy nắp lại và chuyển nó trở lại phòng thí nghiệm để được xét nghiệm. Nguồn: Global Health.rutgers.
Lý do chính là để thu đủ lượng virus cần thiết nhằm đảm bảo độ nhạy cao cho quy trình xét nghiệm. Lượng nước bọt được thu cho các xét nghiệm tối thiểu là 0,5 mL và thường cần khoảng 1-2 mL. Dịch nước bọt sau khi được ly tâm để loại bỏ cặn và bọt sẽ được dùng trực tiếp trong xét nghiệm.
Nếu sử dụng bông tăm, lượng mẫu thu được sẽ ít hơn và phải bị hòa tan trở lại làm loãng mẫu, độ nhạy của xét nghiệm PCR sẽ giảm.
Một số KIT thử nhanh có thể pha loãng mẫu nước bọt thu được nhưng vẫn cần lượng mẫu đáng kể. Độ nhạy của các KIT này cũng kém hơn so với phương pháp PCR.
Ưu điểm của việc sử dụng nước bọt cho xét nghiệm COVID
Ưu điểm lớn nhất của việc dùng nước bọt thay vì ngoáy mũi đối với đa số sẽ tránh được đau đớn khi lấy mẫu xét nghiệm, nhất là với trẻ em, người cao tuổi và người nhạy cảm.
So sánh hai phương pháp. Nguồn: Coast Reporter.
Ngoài ra, phương pháp này còn rất tiện lợi vì không đòi hỏi phải có mặt nhân viên y tế đã được huấn luyện, giúp giảm tải gánh nặng lên nhân viên y tế.
Người dân nào cũng có thể tự lấy mẫu nước bọt tại nhà rồi chuyển đến trung tâm xét nghiệm, tránh tình trạng lây nhiễm trong lúc lấy mẫu do tụ tập đông người hoặc do thao tác người lấy mẫu.
Mẫu nước bọt cũng sẽ giúp tránh được kết quả sai do thao tác lấy mẫu không chuẩn.
Mẫu nước bọt có thể được thu trong nhiều loại ống nhựa (chuẩn phòng thí nghiệm) rẻ tiền hơn ống dùng thu mẫu ngoáy mũi. Với số lượng xét nghiệm COVID tăng cao trên toàn cầu, tình trạng thiếu hụt ống dùng thu mẫu ngoáy mũi và dung dịch bảo quản virus không còn là chuyện xa lạ. Việc chuyển mẫu thu nước bọt sang các loại ống nhựa khác nhau có thể giúp đảm bảo tiến độ xét nghiệm trong tình trạng thiếu hụt toàn cầu này.
Xét nghiệm mẫu nước bọt trong phòng thí nghiệm. Nguồn: Fortune.
Mẫu nước bọt có thể được giữ ở nhiệt độ thường (nhưng tránh quá nóng) đến vài ngày, giữ cho chi phí xét nghiệm thấp. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ) cho thấy có thể bảo quản mẫu nước bọt lên đến bảy ngày mà vẫn đảm bảo độ nhạy.
Nhược điểm của việc sử dụng nước bọt cho xét nghiệm COVID
Nhưng việc này cũng có nhược điểm. Đó là việc lấy đủ lượng mẫu nước bọt không phải lúc nào cũng khả thi, nhất là với trẻ em nhỏ tuổi hoặc những người bị bệnh khô miệng.
Một số mẫu nước bọt đặc quánh khiến cho việc thao tác xét nghiệm khó khăn. Thậm chí, trong một số trường hợp không thể thực hiện được xét nghiệm ngay cả khi đã pha loãng với nước.
Để khắc phục tình trạng này, các quy trình xét nghiệm đã được cải tiến và bổ sung thêm một bước xử lý làm loãng nước bọt với enzyme gọi là proteinase K hoặc mucolyse.
Một số nghiên cứu cho thấy tải lượng virus trong nước bọt thấp hơn trong dịch mẫu ngoáy mũi, nhưng một số nghiên cứu khác lại cho thấy tải lượng trong hai loại mẫu tương đương nhau hoặc mẫu nước bọt chứa nhiều virus hơn. Sự khác nhau giữa các kết quả nghiên cứu có lẽ do thao tác của người thực hiện và các phương pháp xét nghiệm (nguyên liệu, máy móc) khác nhau.
Tuy nhiên, ý kiến đồng thuận là mẫu nước bọt có thể được dùng để xét nghiệm phát hiện các trường hợp bệnh có khả năng lây nhiễm (tải lượng virus cao) với độ chính xác và độ nhạy gần tương đương với mẫu dịch ngoáy mũi. Với các trường hợp bệnh nhân có tải lượng virus thấp (giai đoạn đầu hoặc cuối của bệnh), mẫu nước bọt nhìn chung có độ nhạy không bằng mẫu ngoáy mũi, nhưng do người bệnh khả năng cao không còn lây nhiễm nên điều này cũng không ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Tính khả thi của việc áp dụng dùng nước bọt cho xét nghiệm COVID tại Việt Nam
Theo tìm hiểu ban đầu của tôi, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp dùng nước bọt dựa vào cơ sở vật chất sẵn có và đang được sử dụng cho xét nghiệm PCR.
Một ví dụ là sử dụng phương pháp SalivaDirect được phát triển bởi Đại học Yale với quy trình xét nghiệm được công bố cụ thể trên trang web của họ ( https://ysph.yale.edu/salivadirect/ ).
Theo quy trình này, người cho mẫu xét nghiệm không được ăn trong vòng 30 phút và không được uống trong vòng 10 phút trước khi lấy mẫu. Các ống đựng mẫu nước bọt nên được tiệt trùng bằng cồn 70% bên ngoài rồi chuyển về trung tâm xét nghiệm.
Dù chi phí xét nghiệm dùng mẫu nước bọt thấp hơn dùng dịch ngoáy mũi nhưng tổng số chi phí xét nghiệm định kỳ cho một thành phố hoặc toàn quốc theo thời gian vẫn rất lớn. Với các nước đã triển khai tiêm chủng đại trà trên thế giới, việc xét nghiệm định kỳ chỉ được thực hiện với các nhóm đối tượng chưa tiêm chủng. Những người chưa tiêm chủng nếu làm việc trong môi trường có tiếp xúc với bệnh nhân (như phòng khám, bệnh viện) hoặc trong trường học cần xét nghiệm định kỳ hàng tuần.
Bên cạnh xét nghiệm định kỳ, việc xét nghiệm bắt buộc cũng được áp dụng trong một số trường hợp ví dụ sau:
- Người có biểu hiện bệnh (bất kể tình trạng tiêm chủng) nếu muốn quay trở lại làm việc, đi học hoặc đến nơi đông người.
- Người muốn tham gia các sự kiện đông người diễn ra trong thời gian dài (vài tiếng đồng hồ) như các sự kiện thể thao, lên máy bay, hội trại.
- Trước khi thực hiện các thủ thuật y tế quan trọng và kéo dài.
- Có tiếp xúc với F0 và không thể tự cách ly theo hướng dẫn.
Thiết nghĩ Việt Nam có thể áp dụng xét nghiệm định kỳ trên đối tượng có chọn lọc (nhất là đối tượng chưa tiêm chủng) để tập trung tài lực và nhân lực cho việc đẩy mạnh tiêm chủng và chăm sóc y tế cho các bệnh nhân COVID và bệnh nhân khác.
Ngoài ra, việc tiếp tục thực hiện các biện pháp rà soát như đo thân nhiệt mỗi ngày để phát hiện các cụm dịch và mang khẩu trang, rửa tay, thực hiện các biện pháp 5K vẫn cần phải được tiếp tục áp dụng nghiêm túc.
TS Nguyễn Quốc Thục Phương - Nhà khoa học cao cấp bậc I, Công ty ACM Global Laboratories, Mỹ.
(Công ty ACM Global Laboratories là công ty chuyên thực hiện các xét nghiệm của thử nghiệm lâm sàng pha 1-3 của các công ty từ 65 nước trên thế giới với ba trung tâm xét nghiệm tại Mỹ, Anh và Singapore).
TS Nguyễn Quốc Thục Phương
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ