Liên minh doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vừa có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập Quỹ bảo lãnh cho vay, với hạn mức 100.000 tỉ đồng, để hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo là bất động sản.
Kiến nghị lập Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp SME
Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vừa có thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ để xin triển khai các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn.
Theo liên minh này, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Song, việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp nhiều thách thức.
Theo đó, các cơ chế chưa có tiền lệ trước đây về điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp đã khiến các ngân hàng, tổ chức tài chính e dè, hạn chế hoặc né tránh việc cho vay.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ dành cơ chế hỗ trợ khẩn cấp trong tình huống đặc biệt này, giúp cho các doanh nghiệp SME vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vận hành trở lại, tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì đời sống cho người lao động.
Cụ thể, doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính lập Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp SME với hạn mức 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo là bất động sản.
Doanh nghiệp được bảo lãnh tín dụng cần hoạt động tốt trước khi dịch xảy ra, có báo cáo tài chính lành mạnh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải có hợp đồng, đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới.
Thực hiện các giải pháp quan trọng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp
Trao đổi với Lao Động, bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, đối với những doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, khi mở cửa lại các hoạt động kinh tế, Chính phủ nên có những chính sách "bù đắp".
Bởi trong đại dịch, mặc dù phải đóng cửa nhà máy, nhưng họ vẫn duy trì một phần lương để giữ chân người lao động, vẫn phải trả các chi phí cố định.
"Bù đắp bằng việc giảm thuế, giãn thuế không chỉ từ giờ đến cuối năm 2021 mà sang nửa đầu năm 2022. Hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ phục hồi, phát triển trong điều kiện mới, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động" - bà Lan nói.
Theo vị chuyên gia kinh tế, ngoài những giải pháp như giãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, tiền điện nước (Chính phủ đã làm-PV) thì nên thực hiện tiếp các giải pháp quan trọng như hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.
"Đối với những doanh nghiệp không còn nguồn lực, thì khi tái khởi động sản xuất kinh doanh, họ rất khó để tiếp cận vốn từ ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại vì không đáp ứng được các điều kiện vay vốn từ ngân hàng.
Chính phủ cũng không thể dùng "mệnh lệnh" hành chính, yêu cầu ngân hàng phải làm thế này thế kia hỗ trợ doanh nghiệp được. Tôi cho rằng, Chính phủ nên chi ra một khoản bảo lãnh vay cho doanh nghiệp để họ có nguồn lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh" - bà Lan cho hay.
Cũng theo bà Lan, đối với những dự án đầu tư công chưa quá cần thiết thì nên xem xét tạm ngưng một thời gian, dùng tiền đó để "cứu" doanh nghiệp, giúp họ phục hồi. Khi doanh nghiệp đã hồi phục khả năng sản xuất, họ sẽ bù đắp lại cho Chính phủ. Từ đó, Chính phủ có thể khôi phục lại các dự án đầu tư công.