Thị trường điều chỉnh nhẹ trong tuần thứ hai liên tiếp với thanh khoản sụt giảm. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ 27/9 – 1/10, VN-Index giảm 16,28 điểm (-1,2%) xuống 1.334,89 điểm; HNX-Index giảm 2,69 điểm (-0,9%) xuống 356,49 điểm. UPCoM-Index tăng nhẹ 0,22 điểm (0,2%) lên 95,98 điểm.
Thanh khoản trong tuần qua suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với khoảng 22.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn niêm yết. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HoSE giảm 11% xuống 95.928 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 23,3% xuống 3,2 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 20,9% xuống 14.841 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 26,5% xuống 699 triệu cổ phiếu.
Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều giao dịch tiêu cực và kết tuần trong sắc đỏ. Đối với nhóm bất động sản, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế hơn đáng kể và dòng tiền có một vài thời điểm rời bỏ khỏi nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, dù vậy nhóm vốn hóa lớn vẫn chưa hút được dòng tiền.
Thống kê 120 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, thì trong tuần qua có đến 75 mã giảm trong khi chỉ có 36 mã tăng.
Tâm điểm ở nhóm bất động sản trong tuần vừa qua là 2 cổ phiếu thuộc “họ Louis” là BII của CTCP Louis Land và TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức. Tương tự như tuần trước, đa số các cổ phiếu thuộc “họ Louis” đều đồng loạt lao dốc. Trong đó, BII giảm đến 26,48% chỉ sau một tuần giao dịch. Một số phiên giao dịch trong tuần, BII rơi vào tình trạng giảm sàn trắng bên mua và “đóng băng” thanh khoản. Nhiều nhà đầu tư đã lên các diễn đàn than khóc khi chót “đu đỉnh” cổ phiếu BII. Tưởng chừng như cổ phiếu này được giải cứu khi tăng trần trở lại ở phiên 30/9, tuy nhiên trong phiên 1/10, BII tiếp tục giảm sàn.
Đối với TDH, cổ phiếu này không còn duy trì được sự tích cực như tuần trước đó mà đi cùng xu hướng với các cổ phiếu liên quan đến “họ Louis”. Trong tuần vừa qua, TDH giảm đến 19,29%. Mới đây, TDH đã công bố nghị quyết về việc thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn tại CTCP Phát triển Nhà Daewon – Thủ Đức. TDH dự kiến chuyển nhượng toàn bộ gần 13 triệu cổ phần tại Phát triển Nhà Daewon – Thủ Đức, tương đương với 40% vốn điều lệ. Tổng giá trị chuyển nhượng là 81,6 tỷ đồng.
TDH cùng vừa đăng ký bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu FDC của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP HCM (HoSE: FDC). Nếu thành công, TDH sẽ giảm sở hữu từ 13,88% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 6/10 đến 4/11. Trong tuần từ 27/9 – 1/10, thị giá của FDC cũng giảm 12%.
Cổ phiếu PFL của CTCP Dầu khí Đông Đô sau khi bứt phá mạnh ở các tuần trước đó, thì đến tuần này, PFL giảm hơn 14%. Với thanh khoản giảm mạnh so với tuần trước đó, tổng giá trị khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này đạt 795.430 cổ phiếu/phiên, giảm 48%.
Bên cạnh đó, hàng loạt các cổ phiếu có yếu tố thị trường cao như AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone, VPH của CTCP Vạn Phát Hưng, SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín… cũng đồng loạt giảm giá với thanh khoản tụt đáng kể so với tuần trước đó.
Ở hướng ngược lại, cổ phiếu CSC của Tập đoàn COTANA tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản với 24%. Tuy nhiên, CSC là cổ phiếu thuộc diện thanh khoản rất thấp nên ít ảnh hưởng từ những biến động của thị trường chung.
Cổ phiếu AAV của CTCP Việt Tiên Sơn Địa ốc cũng gây bất ngờ khi tăng gần 21% chỉ sau một tuần giao dịch. Mới đây, ông Nguyễn Thanh Hải – Anh rể ông Dương Văn Điệp – Phó Tổng giám đốc của AAV thông báo đăng ký bán sạch toàn bộ hơn 11,7 triệu cổ phiếu AAV, tương ứng 32,01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức giao dịch trên sàn hoặc thỏa thuận từ 28/9 đến 22/10/2021.
Những cái tên đáng chú ý khác trong nhóm bất động sản tăng giá tốt còn có IDJ của CTCP đầu tư IDJ Việt Nam (11,4%), IDC của Tổng công ty IDICO (6%), DRH của CTCP DRH Holdings (6,48%), HDC của CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (5,87%).
Đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt là mã giao dịch tích cực nhất với mức tăng 4,6%. Bên cạnh đó, VIC của CTCP Vingroup cũng tăng nhẹ 0,8% trong tuần giao dịch vừa qua. Chiều ngược lại, toàn bộ 5 cái tên khác thuộc nhóm vốn hóa lớn của ngành bất động sản là VHM của CTCP Vinhomes, NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), THD của CTCP Thaiholdings, VRE của CTCP Vincom Retail và BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp đều đi xuống trong tuần từ 27/9 – 1/10./.
Xem thêm: lmth.85170000042210202-01-1-9-72-naut-gnort-sdb-mohn-eht-uu-meihc-od-cas/nv.semitaer