vĐồng tin tức tài chính 365

Đi gặt từ sáng sớm, làng cốm Hà Nội lại nhộn nhịp sau ngày giãn cách

2021-10-03 13:18

Người dân làng Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) đang tất bật sản xuất cốm trở lại sau thời gian dài giãn cách do dịch COVID-19. 

Từ mờ sáng, những hạt lúa nếp vừa đến độ đông đặc sữa đã được người dân làng Mễ Trì thu hoạch để làm ra những mẻ cốm thơm ngon.

 
Từ sáng sớm, người dân làng Mễ Trì thu hoạch lúa để làm cốm sau ngày giãn cách. Ảnh: Lan Nhi

Bà Nguyễn Thị Xuân (làng Mễ Trì) chia sẻ: "Lúa được người dân trong làng thu hoạch từ tờ mờ sáng khi bông còn trĩu nặng, ướt đẫm sương đêm. Người làm cốm phải căn chỉnh sao cho vựa lúa vừa đến độ chắc mẩy, các nhánh bóp ra vẫn còn hơi lỏng vị sữa thì mẻ cốm mới dẻo ngọt và thơm".

 
Bà Nguyễn Thị Xuân thức dậy từ rất sớm để ra đồng gặt lúa về làm cốm. Ảnh: Lan Nhi

Theo bà Xuân, nghề cốm ở Mễ Trì chỉ làm theo mùa vụ nhưng nay nhiều công đoạn được gia công bằng máy móc nên công việc cũng nhẹ nhàng hơn. Khi biết tin thành phố nới lỏng giãn cách, người dân trong làng ai nấy đều phấn khởi, tất bật ra đồng thu hoạch lúa, gấp rút làm ngày đêm để hoàn thiện đơn đặt hàng còn đọng lại từ trước dịch.

 
  Lúa được người dân trong làng thu hoạch khi bông còn trĩu nặng. Ảnh: Lan Nhi

Thoăn thoắt tuốt những đọt lúa vừa mới thu hoạch về, bà Nguyễn Thị Nơ (SN 1946, làng Mễ Trì) cũng tâm sự: "Trước kia nghề cốm ở đây làm thủ công thì rất vất vả, phải làm nhiều công đoạn, thậm chí giã cốm 10 lượt mới xong. Giờ có máy móc thì chỉ cần giã 3 - 4 lượt là cốm đã mỏng dẹt".

Theo đó, lúa sau khi tuốt hạt sẽ được người dân ở đây nhanh chóng sàng sảy để loại bỏ hạt lép và tạp chất. Để rang những mẻ cốm đều nhiệt, nhiều hộ gia đình trong làng phải sử dụng loại chảo gang dày, có kích cỡ lớn. Mỗi mẻ cốm phải rang mất khoảng 1,5 - 2h mới hoàn thiện.

Đặc biệt, khi rang cốm, người ở Mễ Trì thường dùng loại củi gỗ chứ không dùng than. Lúc bắt đầu nhóm bếp rang thì phải để to lửa. Khi cốm bắt đầu chín tái thì nhanh chóng giảm lửa. Phải căn chỉnh vừa tầm nếu không cốm sẽ bị cháy hoặc không có được độ dẻo, thơm ngon.

 
Lúa được tuốt lấy hạt, sàng sảy để loại bỏ hạt lép và tạp chất trước khi rang. Ảnh: Lan Nhi 

Bà Nguyễn Thị Đãng (chủ cơ sở sản xuất cốm Ở Mễ Trì) cho biết, ở làng cốm Mễ Trì có 2 vụ là vụ chiêm và vụ mùa. Cốm vụ mùa trong tiết trời vào thu từ tháng 7 - 10 được đánh giá là loại ngon nhất. Hạt cốm lúc này vừa dẻo ngọt, tròn vị và có hương thơm đặc biệt. 

 
Xưởng sản xuất của bà Đãng có thể làm ra khoảng 100kg cốm tươi, tuỳ theo lượng lúa nếp thu hoạch về.  Ảnh: Lan Nhi

Mỗi ngày, tại xưởng sản xuất của bà Đãng có thể làm ra khoảng 100kg cốm tươi, tuỳ theo lượng lúa nếp thu hoạch về.

Cốm làm xong sẽ được người dân gói kín bằng lá dáy, lá sen để tạo độ ẩm tự nhiên, giữ mùi hương. Với những công đoạn cầu kỳ, cứ một tạ thóc, xưởng của bà Đãng có thể làm ra từ 15 đến 18kg cốm, có mức giá 150.000 đồng/kg.

Cốm vụ mùa trong tiết trời vào thu từ tháng 7 - 10 được đánh giá là loại ngon nhất. Ảnh: Lan Nhi
Cốm vụ mùa trong tiết trời vào thu từ tháng 7 - 10 được đánh giá là loại ngon nhất. Ảnh: Lan Nhi 

“Nghe tin nới lỏng giãn cách, mấy hôm nay cả nhà tôi đều phải tập trung toàn bộ nhân lực để kịp làm hàng trả cho khách. Người làm cốm ở đây đều thức dậy từ 3h sáng, ra đồng gặt lúa về tuốt, chuẩn bị máy móc để sản xuất" - bà Đãng tâm sự.

Những người làm cốm lâu năm ở Mễ Trì chia sẻ rằng, để phân biệt cốm mộc (cốm tự nhiên, không pha trộn - PV) với cốm dùng hóa chất phẩm màu, người tiêu dùng phải tinh mắt, nhìn vào màu sắc của hạt cốm. Hạt cốm mộc thường có màu xanh nhạt, trong khi đó cốm nhuộm phẩm màu sẽ có màu xanh đậm, nổi bật hơn.

Cốm được người dân gói kín bằng lá dáy, lá sen để tạo độ ẩm, giữ mùi hương bền lâu. Ảnh: Lan Nhi
Cốm được người dân gói kín bằng lá dáy, lá sen để tạo độ ẩm, mùi hương bền lâu. Ảnh: Lan Nhi 

Xem thêm: odl.257959-hcac-naig-yagn-uas-pihn-nohn-ial-ion-ah-moc-gnal-mos-gnas-ut-tag-id/gnourt-iht/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đi gặt từ sáng sớm, làng cốm Hà Nội lại nhộn nhịp sau ngày giãn cách”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools