Bốn tháng qua, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam, các điều kiện kinh doanh, do các địa phương ban hành đã ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh thích ứng với tình hình mới, nhiều doanh nghiệp mong muốn loại bỏ những điều kiện kinh doanh, "giấy phép con" để gỡ khó cho doanh nghiệp, giúp hàng hoá thông suốt.
Không để doanh nghiệp phải "cõng" nhiều chi phí
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, tháng 8 vừa qua, để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty đã thực hiện phương án "một cung đường, hai điểm đến". Tuy nhiên, việc thực hiện phương án này cần rất nhiều thủ tục, qua nhiều cấp chính quyền khác nhau.
Ví dụ, khi doanh nghiệp trình phương án "một cung đường, hai điểm đến" phải được lãnh đạo tỉnh phê duyệt. Sau đó, Chủ tịch tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá các điều kiện hoạt động.
Để thực hiện mô hình sản xuất này, doanh nghiệp phải thuê khách sạn cho công nhân ở với quy mô khoảng 500 công nhân. Với quy mô này, khách sạn nhỏ không đáp ứng được mà phải khách sạn 3-4 sao.
Để đánh giá khách sạn 3-4 sao có được phép là nơi ở cho công nhân "một cung đường, hai điểm đến" hay không lại thuộc thẩm quyền của Sở Du dịch. Sở Du lịch sẽ cử cán bộ xuống để khảo sát, đồng thời phối hợp với lực lượng y tế đánh giá các tiêu chuẩn về điều kiện hoạt động, tiêu chuẩn an toàn phòng chống dịch.
Song, Sở Du lịch chỉ quyết về phương diện cho khách sạn đó hoạt động. Còn cho nhân viên khách sạn đi làm trở lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Lúc này chủ khách sạn phải trình và xin ý kiến của chính quyền địa phương.
Chưa kể, nhân viên khách sạn còn phải xin giấy đi đường, hoặc test nhanh virus SARS-CoV-2... Để hoàn thiện các thủ tục phải mất gần 1 tuần.
"Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, họ làm như vậy là đúng quy trình. Nhưng với doanh nghiệp như chúng tôi lại rất vất vả; phải chạy ngược chạy xuôi lo giấy tờ, thủ tục", ông Lĩnh nói và cho biết, hiện nay khi dịch đã dần được kiểm soát, các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, kinh doanh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và phục hồi, các địa phương nên cắt giảm bớt các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.
Để tránh cho doanh nghiệp phải "cõng" thêm những gánh nặng thủ tục hành chính, nhất là trong bối cảnh "bình thường mới", tại Chỉ thị 26 ban hành ngày 21.9, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu "các địa phương không được ban hành các giấy phép con".
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp trên địa bàn "không ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện trái với quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các bộ ngành về lưu thông hàng hóa".
Đề xuất tạm dừng thanh kiểm tra để doanh nghiệp tập trung phục hồi kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Với nhóm thủ tục hành chính lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ đã đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, bao gồm thủ tục đề nghị hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn, thủ tục đăng ký vào mạng lưới tư vấn viên; thủ tục hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp.
Điều này giúp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính từ 926 tỉ đồng xuống còn 521 tỉ đồng, tiết kiệm 405 tỉ đồng, tỉ lệ cắt giảm chi phí là 43,75%.
Trao đổi với Lao Động, ông Hà Tuấn Anh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Ninh Bình - cho biết, đợt dịch vừa qua đã "đánh đổ" hết kế hoạch của doanh nghiệp, nguồn lao động bị tác động mạnh. Cho nên, đây là thời điểm chúng ta cần quan tâm hơn đến vấn đề tạo niềm tin, động lực cho doanh nghiệp.
Bên cạnh việc giảm, giãn thuế, giảm lãi suất ngân hàng, ông Tuấn Anh cho biết, phần lớn doanh nghiệp đều mong muốn tạm dừng thanh kiểm tra thủ tục hành chính, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp đã được lên kế hoạch từ đầu năm (trừ trường hợp có dấu hiệu xâm phạm lợi ích nhà nước và vi phạm hình sự), để doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào hồi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh.