Anh Trần Văn Đạt ở lại TP.HCM, tìm chỗ làm mới sau dịch - Ảnh: DIỆU QUÍ
Đặc biệt, trong khi nhiều người phải về vì hoàn cảnh, thì những lao động chọn ở lại có niềm tin khi các nhà máy, cơ sở tái hoạt động, họ sẽ có thêm cơ hội mới khi việc cần người, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng tăng cao sau nhiều tháng "đóng băng" vì giãn cách.
Về quê không có việc làm phù hợp thì cũng phải dựa vào cha mẹ, thậm chí sợ còn lây lan dịch bệnh. Thôi mình ở lại, nhận sự giúp đỡ của cha mẹ để được đi làm, khi đó báo hiếu lại cũng đâu muộn.
Anh PHAN VĂN HOÀNG
"Cố lết cũng trụ được tới giờ"
Anh Trần Văn Đạt (quê An Giang, ngụ quận 12) là một trong số người "lội ngược dòng" đó. Tối 1-10, anh lướt mạng, nhìn dòng người ken đặc về quê bị kẹt tại chốt chặn ở huyện Bình Chánh, giáp Long An mà mắt như không rời được màn hình điện thoại.
Anh Đạt là công nhân chế biến gỗ tại quận Gò Vấp. Mất việc từ đầu tháng 7, anh "sống sót" bằng số tiền dành dụm ít ỏi. Mấy tháng nay cạn tiền, anh cũng từng nghĩ sẽ về quê nhà tìm việc khác để đỡ tiền trọ và giảm chi phí đắt đỏ ở TP. Nhưng suy nghĩ đó nhanh chóng tan biến, anh Đạt cũng chẳng biết làm gì ở quê khi "không có cục đất chọi chim".
Tiếp tục trụ lại Sài Gòn, ngoài tiền tiết kiệm ít ỏi, anh được nhận một lần gói hỗ trợ an sinh, chủ trọ giảm phân nửa tiền và một ít rau củ, mấy bọc gạo từ các nhà hảo tâm tạm đủ cho bản thân cầm cự thời gian thất nghiệp. Trước đó vào tháng 5, vợ anh đã đưa cô con gái 3 tuổi về nhà nội và kẹt ở quê từ đó đến nay.
Ở quê, vợ con anh Đạt cũng lay lắt dựa vào tiệm tạp hóa của mẹ chồng. Khó khăn bủa vây song vợ chồng anh Đạt đều có chung suy nghĩ "phải ở TP để mần bằng mọi giá, chứ về quê cũng không tốt hơn bao nhiêu vì chẳng có ruộng vườn".
"Ba tháng qua, mình cố lết cũng trụ được tới giờ rồi, bữa đói bữa no nhưng còn sức khỏe để đi mần là mừng. Tui đọc tin thấy nhiều xí nghiệp bị thiếu công nhân sau dịch, giờ đang tuyển lại từ từ, có nơi còn hứa tăng lương.
Tui dự tính sẽ nộp đơn xin việc vài nơi, chỗ nào nhận thì mần, giờ lương thấp cũng được, miễn sao có đồng ra đồng vô. Vợ tui đợi khi nào lên Sài Gòn được, sẽ kiếm chỗ gửi con rồi cũng lên đây mần tiếp" - nam công nhân 27 tuổi chia sẻ.
Không chỉ công nhân, mà người làm văn phòng như anh Phan Nhật Thương dù thất nghiệp cũng ở lại TP. Anh Thương mất việc tại một công ty du lịch hồi tháng 6, từ đó đến nay chỉ bó gối trong phòng trọ 15m2 ở quận Bình Thạnh. Anh cho biết lần cuối về quê Bến Tre là vào đợt lễ 30-4, sau đó dịch bùng lên phải ngừng cho tới nay.
Không có việc làm, anh lấy số tiền "dành phòng thân khi có bất trắc" ra xoay trở tiền trọ, ăn uống suốt mấy tháng, chưa kể mượn người thân một ít. Chật vật như vậy nhưng hồi tháng 7 hội đồng hương tỉnh tổ chức cho bà con đăng ký về quê, anh Thương vẫn chọn ở Sài Gòn để đợi ngày đi làm lại, mặc bạn bè trách móc "ở lại nhịn đói hay sao?".
Anh Lê Văn Toàn ở lại và mong được tiếp tục công việc phụ quán - Ảnh: MẠNH DŨNG
Ở lại tìm cơ hội mới
"Lúc đó tôi chưa tiêm vắc xin, gia đình ở quê cũng vậy, nên tôi nghĩ không về sẽ tốt hơn, với lại đang ở trọ một mình cũng tạm an toàn. Thời gian đó cả Sài Gòn và miền Tây đều đang thực hiện chỉ thị 16, mình về lỡ có bệnh trong người mà không biết, lây cho người thân và xóm giềng thì không biết hậu quả thế nào.
Điều quan trọng là tôi muốn ở lại Sài Gòn tìm cơ hội mới cho mình, giờ về quê cũng không có mấy đất đai gì để làm ruộng nữa" - anh Thương cho biết gia đình cũng khuyên anh nên ở lại TP cho an toàn.
Một mình trong phòng trọ, anh Thương có thời gian ngẫm lại mọi thứ. Để rèn thêm kỹ năng, anh học thêm về đồ họa và học nhạc cụ, đó vốn là sở thích mà trước đây anh chưa có cơ hội thực hiện. Anh cũng thường gọi video về cho cha mẹ để hỏi thăm sức khỏe, cảm giác nhớ nhà được vơi đi.
Anh Thương tâm sự mỗi lần gọi về nhà luôn hứa sẽ chú ý an toàn để gia đình đỡ lo cho cậu con trai sống một mình ở tâm dịch. Đợt dịch lần này khiến chàng trai 26 tuổi nhận ra mình phải biết thích ứng, tìm cơ hội mới khi công việc chính là du lịch bị đình trệ. "Tôi sẽ tìm một việc khác để kiếm sống trong lúc chờ ngành du lịch sống lại" - anh Thương khẳng định.
Nhìn dòng người ồ ạt về quê và bị chặn lại, có người vật vờ cả một ngày đêm mới được qua chốt này nhưng lại bị chặn tiếp ở chốt khác, anh Thương nói quyết định không về quê của mình thời điểm này là đúng. "Tôi không dám về, tôi sợ tập trung đông như vậy lỡ trong số đó có ca nhiễm thì rất nguy hiểm. Vả lại không biết người khác thế nào, nhưng tôi vẫn còn cố trụ được, không bế tắc đến nỗi phải về quê bằng mọi giá" - anh cho hay.
Hiện anh Thương đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, trong khi TP.HCM từng bước "bình thường mới" thì ở Bến Tre quê anh cũng đã phủ sắc xanh sau mấy tháng nỗ lực dập dịch. "Tôi vừa gửi đơn xin bán hàng cho một công ty. Mấy tháng nay số tiết kiệm cũng đã cạn nên tôi càng phải ở lại đi làm kiếm tiền lo cho bản thân và phụ gia đình. Tôi tin mảnh đất này không bỏ rơi mình" - anh Thương tâm sự.
Người gặp khó khăn nhận trợ cấp đợt tháng 10 ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân - Ảnh: MẠNH DŨNG
Nhờ gia đình ở quê giúp đỡ để trụ lại
Trong khi đó, anh Phan Văn Hoàng, công nhân Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi - cũng chọn trụ lại TP.HCM dù quê nhà huyện Đức Huệ, Long An, chỉ cách 20km. "Nhà tôi sát bên, chỉ chạy xe máy chưa tới 30 phút nhưng tôi không về được. Lúc đầu cũng buồn lắm nhưng giờ tôi quen rồi. Bao năm mình đi làm phụ giúp gia đình ở quê. Giờ khó khăn, gia đình phụ giúp ngược lại tôi để yên tâm bám trụ TP mà chờ ngày được đi làm lại" - anh Hoàng kể ba má dưới quê chỉ buôn bán lặt vặt, anh có về cũng không biết làm gì khi rời trường học đã đi làm công nhân.
Mẹ anh Hoàng nói anh cứ yên tâm ở lại để khỏi lo lây lan dịch, chuyện miếng ăn, phòng trọ tháng ngày thất nghiệp của anh sẽ được cha mẹ lo, "mai mốt con đi làm thì lại cho cha mẹ thôi mà". Hoàng vừa nhắn tin vui về nhà là đã chích đủ 2 mũi vắc xin, công ty cũng báo sẽ hoạt động lại trong tháng 10.
Khi phỏng vấn viết bài này, chúng tôi nghe nhiều tâm sự cũng giống anh Hoàng. Sáng 3-9, anh Lê Văn Toàn, nhân viên phụ quán ăn, đang xếp hàng lãnh tiền trợ cấp đợt 3 trước văn phòng khu phố 2, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.
Anh nói: "Bốn tháng đã chịu cực khổ, giờ thấy chút ánh sáng rồi, không lẽ lại bỏ về". Trong khi một số bạn bè về, anh Toàn vẫn ở lại quán và được nuôi ăn không lương. "Tết nhất đến nơi rồi, mình cố gắng để mong tết có chút tiền về luôn. Quán tôi báo qua tuần sẽ bán mang đi và cần người phụ bán. Tôi cũng đã được chích đủ 2 mũi nên tạm yên tâm".
Ngoài chủ quán lo ăn, ở và tiền chính quyền trợ cấp, mấy tháng qua anh Toàn cũng nhận được sự trợ giúp thêm từ quê nhà Hồng Ngự, Đồng Tháp. Anh hy vọng khi làm việc lại, có lương sẽ trả lại khoản tiền giúp đỡ này của gia đình.
"Giờ về quê mà không có ruộng vườn cũng bế tắc sinh kế. Thôi ở lại để đợi ngày đi làm. Tôi tin TP.HCM sẽ phát triển mạnh trở lại sau cuộc khó khăn nặng nề này" - anh Toàn tâm sự.
"Giờ vẫn chưa biết ngày nào được đi bán vé số tiếp, nhưng mẹ con tôi vẫn ở chọn ở lại TP.HCM sau nhiều lần dùng dằng định về. Bởi quê An Giang xa quá mà cũng không có ruộng vườn hay việc gì để làm. Thời gian qua, hẻm tôi ở bị phong tỏa nhưng được trợ cấp tiền và các túi thực phẩm tạm đủ ăn. Mong TP sẽ dần yên ổn thêm, chưa được bán vé số thì tôi tìm việc khác" - chị Trần Thị Hết, ở trọ hẻm 575 tỉnh lộ 10, quận Bình Tân, tâm sự.
TTO - Chiều 3-10, hàng trăm hành khách đặc biệt trên chuyến tàu tại ga Sài Gòn không giấu được niềm xúc động khi sắp trở về quê nhà. Nhiều người vui vì sắp đoàn tụ gia đình, không ít bà bầu rưng rưng về quê sinh con khi chồng ở lại.
Xem thêm: mth.89831702230011202-ial-o-nohc-iougn-gnuhn/nv.ertiout