Vài ngày qua, nhiều tập đoàn lớn đang hoạt động tại Việt Nam đã liên tục công bố dự án mở rộng đầu tư, bất chấp bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.
Thêm hàng trăm triệu USD chuyển vào các dự án
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 132 triệu USD vào nhà máy ở tỉnh Đồng Nai, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng cà phê giá trị cao cho thị trường trong nước và thế giới. Khoản đầu tư này nâng tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu USD, nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao.
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, cho biết quyết định tăng vốn đầu tư và nâng công suất chế biến cho thấy cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp (DN) kỳ vọng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực, tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam.
Một DN có vốn FDI khác là Công ty Tetra Pak cho hay sẽ đầu tư thêm 5 triệu euro vào nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu euro tại tỉnh Bình Dương. "Khoản đầu tư thêm trị giá 5 triệu euro này thể hiện niềm tin của DN vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch" - ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, cho biết.
Bên trong nhà máy sản xuất cà phê của Nestlé Việt Nam Ảnh: NGỌC ÁNH
Hãng điện tử Nhật Bản Panasonic cũng vừa đưa vào nhà máy mới sản xuất thiết bị chất lượng không khí trong nhà tại tỉnh Bình Dương, với vốn đầu tư khoảng 45 triệu USD. Đây là nhà máy đầu tiên trong lĩnh vực này của Panasonic tại Việt Nam, sẽ sản xuất quạt trần và quạt thông gió. Trong tương lai, bộ phận nghiên cứu và phát triển sẽ tiếp tục được thành lập với mục tiêu đưa nhà máy này trở thành một nhà máy hợp nhất các quy trình phát triển, sản xuất, bán hàng…
Intel Products Việt Nam cũng đã chuyển vào Việt Nam 475 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam lên 1,5 tỉ USD và cam kết sẽ đầu tư thêm 2,6 tỉ USD vào Khu Công nghệ cao TP HCM trong thời gian tới. Trước đó, cuối tháng 8-2021, Tập đoàn LG của Hàn Quốc công bố đầu tư thêm 1,4 tỉ USD cho dự án tại Hải Phòng. Samsung dự kiến chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong những tháng cuối năm 2021 nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc...
Mới đây, trong chuyến công du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Mỹ từ ngày 21 đến 24-9, nhiều DN lớn của Việt Nam đi theo đoàn đã ký kết những hợp đồng, biên bản ghi nhớ với đối tác Mỹ trị giá hàng tỉ USD.
Cải thiện hơn nữa để giữ chân vốn ngoại
Quyết định tiếp tục mở rộng đầu tư của các tập đoàn nước ngoài đã phản ánh điểm sáng trong việc thu hút nguồn vốn FDI trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, nhận định việc Tetra Pak mở rộng đầu tư tại Việt Nam là một điểm sáng tích cực. Động thái của DN FDI này sẽ giúp các nhà sản xuất yên tâm về nguồn cung và chất lượng nguyên liệu bao bì, đặc biệt trong giai đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp trục trặc như hiện nay và là lợi thế lớn không chỉ cho nhà sản xuất sữa mà còn cho cả ngành thực phẩm đồ uống.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận định ở thời điểm hiện tại, một trong những thách thức đối với dòng vốn FDI và xuất khẩu của Việt Nam là việc nhiều tập đoàn đa quốc gia đã, đang tính chuyển đơn hàng sản xuất cho dịp lễ cuối năm từ Việt Nam sang các nền kinh tế khác. Xu hướng này sẽ mạnh hơn nếu Việt Nam không thích ứng và mở cửa nền kinh tế bền vững.
Để có thể giữ chân DN FDI yên tâm hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đề xuất Chính phủ và các địa phương cần có lộ trình nhất quán cho việc mở cửa trở lại và đồng bộ trong quá trình triển khai. TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam (VIAC), cho rằng với những biện pháp quyết liệt áp dụng từ đầu tháng 10 của Chính phủ về việc đưa ra kế hoạch kinh doanh an toàn, sống chung với dịch như "Cẩm nang hướng dẫn", các DN, trong đó cả DN FDI, sẽ có cơ sở để nói với đối tác về phương án đề phòng rủi ro, thích ứng trong dịch và giữ được đơn hàng.
"Động thái của chúng ta trong 3 tháng tới về mở cửa trở lại sẽ quyết định xu hướng dòng vốn FDI. Đặc biệt, cần có chính sách giữ chân những nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm cứ điểm chiến lược, làm "đại bản doanh" của họ thời gian qua" - ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.
Khó đạt mục tiêu thu hút đầu tư năm 2021
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI 9 tháng đầu năm 2021 đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Tại TP HCM, số liệu của Cục Thống kê TP cho thấy trong 9 tháng qua, tổng vốn FDI vào TP HCM là 2,35 tỉ USD, giảm 27,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), cho hay đầu năm, SHTP đặt mục tiêu phấn đấu tổng vốn đăng ký đầu tư mới trong năm đạt khoảng 100 triệu USD, vốn điều chỉnh tăng đạt 3,4 tỉ USD nhưng do ảnh hưởng của dịch, đến nay chưa có dự án đầu tư mới nào được ký. SHTP đang kết nối với các nhà đầu tư, thuyết phục và hỗ trợ họ tiến hành các thủ tục, hồ sơ, hy vọng sẽ có một số dự án được ký kết.
Tại các KCX-KCN, 4 tháng trở lại đây, vẫn có một số dự án đầu tư mới nhưng chưa giải ngân, chưa xin giấy phép xây dựng được. Một số dự án đã xúc tiến các thủ tục từ năm 2020 và được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm nay. "Trong đó, một số dự án có quy mô lớn, thuộc lĩnh vực xây dựng nhà xưởng xây sẵn để đón đầu tư. Một số DN FDI có kế hoạch mở rộng đầu tư trong năm nay nhưng diễn biến dịch quá phức tạp nên họ đã tạm hoãn để tập trung lo ổn định sản xuất" - đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM cho biết.
Xem thêm: mth.63880831230011202-man-teiv-oav-nov-tor-cut-peit-iaogn-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.moc.dln