Cảnh sát giao thông Công an tỉnh An Giang dẫn đường đưa người dân về quê - Ảnh: BỬU ĐẤU
Lãnh đạo nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng khẳng định nguy cơ vỡ trận.
Đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế hỗ trợ sinh phẩm y tế cho các tỉnh miền Tây để xét nghiệm cho bà con về; hỗ trợ vắc xin cho bà con để giữ miền Tây".
Ông Phạm Thiện Nghĩa (chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp)
Hiện nay giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi, các nhà máy bắt đầu được đăng ký hoạt động trở lại. Chúng tôi rất mong muốn người lao động ở lại, vừa có việc làm để có thu nhập lo cho bản thân và gia đình, đồng thời cũng góp phần để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh cho quê hương...".
Ông VÕ VĂN MINH (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương)
TP.HCM đã tổ chức 143 đợt đưa 36.000 người dân về 37 địa phương. Sau 30-9, TP sẽ tiến hành mở lại các hoạt động sản xuất, ưu tiên sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất… TP sẽ bố trí việc làm cũng như ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân an tâm ở lại".
Ông Lê Hòa Bình (phó chủ tịch UBND TP.HCM)
Chạy đua mở lại khu cách ly
Tại Long An, cửa ngõ miền Tây Nam Bộ, từ chiều 2-10 tỉnh đã triển khai đến các chốt kiểm soát dịch COVID-19 giáp ranh TP.HCM, yêu cầu tất cả người dân Long An từ các tỉnh khác chỉ về theo ngõ quốc lộ 1. Tại đây, những người dân tỉnh Long An được cho khai báo, kiểm tra y tế và phân bổ về lại các huyện để có phương án giám sát, cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Tính đến 15h ngày 3-10 có hơn 400 người dân Long An từ các tỉnh khác trở về.
Lượng người miền Tây đi xe máy về qua quốc lộ 1 thuộc Long An tấp nập cho đến tận tối cùng ngày. Nhiều người dân nhận nước, mì từ lực lượng chức năng và các điểm phát của người dân Long An nhưng không được rẽ vào các ngã ven quốc lộ 1.
Trong khi đó, nhiều tỉnh khẩn trương lập chỗ cách ly tập trung để đón người trở về. Tại chốt kiểm soát gần chân cầu Rạch Miễu nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, trong đêm 2 và rạng sáng 3-10, lực lượng chức năng đã giải quyết cho khoảng 1.000 trường hợp qua chốt.
Theo đó, những người quê Trà Vinh sẽ được lực lượng CSGT dẫn đoàn về cầu Cổ Chiên để bàn giao cho lực lượng chức năng tỉnh Trà Vinh. Còn những người dân Bến Tre được các huyện đưa về địa phương để cách ly tập trung.
Đại diện Công an tỉnh Bến Tre cho biết dự báo số người về quê sẽ tăng trong thời gian tới. Qua tiếp nhận người dân về tự phát, tại chốt cầu Rạch Miễu test nhanh phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Ông Trần Ngọc Tam - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết tỉnh đặt mục tiêu cao nhất là giữ vững "vùng xanh". Do đó, đối với dân về tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ, tiếp tục trưng dụng các trường học (chủ yếu là trường tiểu học) làm điểm cách ly.
Việc cách ly tại nhà được áp dụng cho một số trường hợp như người già bệnh, phụ nữ sắp sinh và trẻ em nhỏ. Theo quy định, hiện tỉnh áp dụng cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày đối với các trường hợp công dân về tỉnh.
Người về quê tạm dừng tại Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên) và lên xe Phương Trang về quê - Ảnh: B.ĐẤU
Địa phương quá tải, đề nghị hỗ trợ
Ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết lượng người về quê Đồng Tháp đã hơn 8.000 người. Trong số này đã có 40 trường hợp dương tính COVID-19. Đồng Tháp gần như quá tải khi lượng người về quá đông. Các tỉnh phải có chính sách đối với bà con ở lại. Thời gian qua, bà con bỏ về là do khó tiếp cận các chính sách tại địa phương đó.
"Theo tôi, đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế hỗ trợ sinh phẩm y tế cho các tỉnh miền Tây để xét nghiệm cho bà con về; hỗ trợ vắc xin cho bà con để giữ miền Tây và kiến nghị các tỉnh phía trên cần có giải pháp hoặc vận động bà con đừng di chuyển nhiều nữa. Vì di chuyển như vậy sẽ khó kiểm soát tình hình dịch bệnh" - ông Nghĩa nói.
Ở Hậu Giang, ông Đồng Hoàng Dũng - chánh văn phòng UBND tỉnh - cho biết đến thời điểm này tỉnh đã đón khoảng 3.700 người từ các nơi về và cách ly tập trung, về cơ sở vật chất và nhân lực cơ bản đáp ứng được. Hiện tại còn khoảng 2.500 giường và các địa phương trong tỉnh đang kích hoạt thêm. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận thực trạng người dân sẽ còn quay về quá nhiều, khi đó hệ thống y tế có thể không đảm bảo nổi.
Ông Dũng cho biết Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang sẽ có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 chỉ đạo các tỉnh thành khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương không cho người dân rời khỏi địa bàn trở về địa phương bằng các phương tiện cá nhân trong thời gian 15 ngày để các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức cách ly, điều trị đối với công dân trở về trong những ngày qua.
Tỉnh Vĩnh Long thì kiến nghị trung ương ưu tiên vắc xin cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tỉnh đã tổ chức đón hơn 1.700 công dân từ các địa phương Đông Nam Bộ về quê theo kế hoạch. Trong số này, tỉ lệ mắc COVID-19 là gần 10%.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh (phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long): Tỉ lệ tiêm vắc xin thấp, nguy cơ lớn cho ĐBSCL
Đến nay tỉnh đã tiếp nhận, đưa đi cách ly tập trung hơn 2.000 người từ các tỉnh, TP Đông Nam Bộ trở về quê bằng xe máy. Địa phương cũng đã kích hoạt trở lại toàn bộ khu cách ly tập trung, tận dụng các cơ sở như trường học, nhà thi đấu… để tiếp nhận người dân từ các tỉnh, TP trở về.
Tỉnh đang làm hết khả năng có thể để rà soát thật kỹ, tiếp nhận người dân trở về quê bằng xe máy, nhằm hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Hiện tỉnh chỉ đáp ứng được tiếp nhận, cách ly tập trung khoảng 5.000 người.
Tỉ lệ người dân được tiêm vắc xin trong khu vực ĐBSCL rất ít, trong khi tỉ lệ này ở các tỉnh thành Đông Nam Bộ rất cao. Nếu bà con về quê mà không có sự kiểm soát, sàng lọc thì nguy cơ lây lan dịch rất lớn. Người dân chưa được tiêm vắc xin sẽ đối mặt với nguy cơ bệnh nặng. Đó là áp lực lớn với các địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn (phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang): Đã huy động tổng lực
Trước tình hình người dân từ các tỉnh, TP miền Đông Nam Bộ tự phát trở về quê, UBND tỉnh đã họp khẩn, thành lập 2 đội phản ứng nhanh huy động gần như tổng lực quân đội, công an, y tế, Đoàn thanh niên và các địa phương để tổ chức tiếp đón người dân an toàn.
Tính đến trưa 3-10, tỉnh Kiên Giang đã bố trí lực lượng tiếp nhận gần 4.000 công dân tự phát đi xe máy và các phương tiện khác trở về. Từ các điểm đón dân tạm tại các tuyến quốc lộ dẫn vào địa phận tỉnh, Kiên Giang sẽ phân chia người về theo từng huyện, TP, test nhanh COVID-19 và hỗ trợ phương tiện tiếp tục di chuyển về quê.
Đến nay, qua sàng lọc nhanh tại chốt kiểm soát đã phát hiện 11 trường hợp nghi nhiễm tiến hành cách ly y tế ngay tại chỗ.
Hiện tại các cửa ngõ vào tỉnh Kiên Giang đã bố trí 3 khu cách ly tạm có sức chứa khoảng 1.400 người. Các huyện, TP cũng đã sẵn sàng phương án tiếp nhận cách ly từ 500 - 1.500 người tùy nơi, sẽ mở rộng thêm các khu cách ly bằng cách trưng dụng cơ sở kinh doanh, trụ sở cơ quan quân sự, công an, y tế, trường học… nếu cần.
Bên cạnh việc tổ chức tiếp nhận người dân Kiên Giang tự phát đi xe máy về quê, UBND tỉnh cũng đã lên kế hoạch đón người lao động không tự về quê được đợt 3 với khoảng 500 người. Tuy nhiên, lo nhất là kiểm tra dịch tễ, tránh lây lan dịch tại các điểm tiếp nhận…
Cho miền Tây 15 ngày chuẩn bị để đón dân
Đồng Nai đã vận động, giải thích rất nhiều nhưng một số người lao động vẫn quyết tâm về quê. Có những người về chính đáng như đưa con về học, phụ nữ có thai về quê sinh con... Nhưng số sức trẻ còn lao động được mà mình thuyết phục không nghe.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng
Lo quá tải, vỡ trận, nhiều địa phương đề nghị có giải pháp để dân... chưa về.
Đại tá Đinh Văn Nơi - giám đốc Công an tỉnh An Giang - cho biết người dân về An Giang ngày càng đông, lực lượng công an ngoài việc chốt chặn còn giúp đỡ bà con cơm, nước và sữa cho trẻ em. Để giải quyết bài toán người về đông và không để lây lan dịch bệnh, đơn vị đã bố trí lực lượng cảnh sát giao thông đưa về tận các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
"Nếu đi xe khách tập trung đông người sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh hơn. Vì vậy, tôi đã chỉ đạo cảnh sát giao thông dẫn đường đưa về các huyện trong tỉnh An Giang. Kiên quyết không cho bà con dừng, đỗ dọc đường. Khi đến các điểm tập trung thì các huyện sẽ tự sàng lọc, phân loại để phòng chống dịch bệnh" - đại tá Nơi nói.
Ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho hay hiện An Giang và các tỉnh miền Tây đã quá tải khi bà con tự phát về quá đông. An Giang và các tỉnh miền Tây kiến nghị TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An tạm thời đóng cửa trong vòng 15 ngày để giải quyết dứt điểm mấy chục ngàn người vừa về quê vài ngày qua. Thêm vào đó, đẩy mạnh tiêm vắc xin COVID-19 cho các tỉnh miền Tây.
Người dân Long An khai báo y tế và cho về cách ly tại nhà nếu đã tiêm vắc xin - Ảnh: SƠN LÂM
Trả lời câu hỏi Tuổi Trẻ có hay không việc chủ quan không chuẩn bị sẵn chỗ đón công dân nên dẫn đến quá tải? Ông Bình nói: "Chúng tôi không chủ quan khi đón công dân. Các tỉnh đều có sự chuẩn bị nhưng bất ngờ họ về trong đêm hơn 10.000 người làm sao trở tay kịp. Vì chủ trương của Chính phủ là nếu về phải phối hợp chặt chẽ, còn bà con về tự phát như hiện nay sẽ khiến tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, phức tạp hơn".
Ở địa phương có số người trở về đông nhất là Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh - cũng cho biết hiện người dân từ các tỉnh, thành phố đổ về quê Sóc Trăng quá đông. Riêng đêm 2-10, có khoảng 20.000 người tự về quê, đông nghẹt một đoạn quốc lộ 1.
"1h sáng, tôi và nhiều anh em lãnh đạo tỉnh ra tận nơi sắp xếp, ổn định tình hình. Như vậy chỉ trong vài ngày, đã có gần 30.000 người tự về quê. Năng lực tiếp nhận của Sóc Trăng chỉ khoảng chừng này, nếu bà con về thêm nữa, sẽ vỡ trận" - ông Lâu cho biết.
Ông Lâu cho biết sau khi vào địa phận tỉnh, những người tự về quê được lực lượng chức năng dẫn đường đưa vào Khu văn hóa Hồ nước ngọt (phường 6, TP Sóc Trăng) khám lâm sàng. Sau đó, người dân ở địa phương nào sẽ được đoàn dẫn đường đưa về địa phương đó cách ly tập trung. Ông Lâu cho biết Sóc Trăng đã tận dụng trường học làm cơ sở cách ly tập trung.
Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh an toàn, Sóc Trăng đã cấp tốc xây dựng nhà vệ sinh, lo chỗ nghỉ ngơi cho người dân. "Bà con khổ lắm rồi nên mới dìu kéo nhau về quê. Tuy còn khó khăn nhưng Sóc Trăng vẫn dang rộng vòng tay tiếp nhận. Ngoài ngân sách lo được bao nhiêu, tỉnh vận động xã hội hóa, kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung sức lo bữa ăn cho người dân được tươm tất" - ông Lâu chia sẻ.
Trước đó, dự báo người Sóc Trăng ở các tỉnh, thành phố sẽ về quê với số lượng lớn nên tỉnh đã chủ động kích hoạt toàn bộ hệ thống khu cách ly tập trung và đưa vào hoạt động Bệnh viện điều trị COVID-19.
Tuy nhiên, năng lực tiếp nhận của tỉnh có hạn, nếu người dân tiếp tục về sẽ vỡ trận. Do vậy Sóc Trăng đã có văn bản kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tạm ngưng cho người dân tự về quê. "Thời gian tạm ngưng tiếp nhận 15 ngày. Trong thời gian này, các địa phương chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo cho số bà con đã về. Sau khi ổn định, tỉnh sẽ xin ý kiến tiếp" - ông Lâu đề xuất.
BỬU ĐẤU - KHẮC TÂM
Các tỉnh lo, Bộ Y tế nói gì?
Trong khi nhiều tỉnh ĐBSCL đang vất vả trước đoàn người về quê tự phát, lo lắng nguy cơ "vỡ trận" thì Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua hệ thống y tế tại khu vực Tây Nam Bộ đã có những cải thiện về y bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu, về trang thiết bị.
Một tổ công tác của Bộ Y tế đã thường trực tại đây trong hơn 1 tháng hỗ trợ Tây Nam Bộ chống dịch và đã có những kết quả đáng kể.
Tiêm vắc xin cho người dân miền Tây - Ảnh: SƠN LÂM
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết hiện nay hệ thống y tế các tỉnh miền Tây cơ bản đáp ứng được diễn biến tình hình, kể cả điều kiện có thêm người dân từ TP.HCM về. "Thời gian vừa rồi có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, các tỉnh miền Tây đã hoàn thiện tháp điều trị 3 tầng, thành thạo phân loại xử lý các tầng cho phù hợp tình hình bệnh lý của bệnh nhân" - Thứ trưởng Tuyên đánh giá.
Theo ông Tuyên, Bộ Y tế đã cử đoàn hướng dẫn, hiện đã rút về, nhưng cơ bản địa phương đã triển khai được công việc. "Tinh thần chỉ đạo chung là khuyến cáo ở lại TP.HCM và các tỉnh vùng dịch, ngoại trừ những trường hợp rất cần thiết. Nhưng người dân về phải được tiếp nhận, đưa vào cách ly ngay, phát hiện các ca dương tính thì điều trị sớm. Về vắc xin, 63 tỉnh thành đều có kế hoạch, lên khung phân bổ hằng tuần hằng tháng, nhưng miền Nam và Tây Nam Bộ là khu vực ưu tiên.
Về tiến độ tiêm chủng, tính đến ngày 28-9, 12 tỉnh miền Tây tiêm được trên 3,4/3,7 triệu liều vắc xin được phân bổ (đạt 93%), trong đó đã tiêm được 2.775.892 liều mũi 1 và 689.740 liều mũi 2. Riêng 796.200 liều vừa được phân bổ đang được các địa phương triển khai tiếp nhận, tiến hành tiêm tại địa phương.
12 tỉnh thành miền Tây có 15-35% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, cao nhất là Tiền Giang (35%), Cần Thơ (31%), thấp nhất là Cà Mau (17%), Sóc Trăng (18%), Trà Vinh (18%).
Tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vắc xin trên tổng số dân từ 18 tuổi trở lên tại Tây Nam Bộ là 4-8%, trong đó cao nhất là Đồng Tháp, Cà Mau, Hậu Giang mức 8%. Đây là mức khá cao so với nhiều tỉnh thành miền Bắc và miền Trung chưa được phân bổ nhiều vắc xin.
Với số vắc xin dự kiến tiếp nhận trong tháng 10, Bộ Y tế cũng vừa có văn bản nhắc các địa phương tiêm thật nhanh, do vắc xin chuẩn bị về nhiều.
L.ANH
Dòng người vẫn đổ về quê, lãnh đạo kêu gọi ở lại
Ngày 3-10, người dân đi xe máy từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM tiếp tục đổ dồn về cửa ngõ miền Đông - Tây trong hành trình về quê.
Tại thị xã Tân Uyên (Bình Dương), đại diện Trung tâm Y tế thị xã cho biết đã tổ chức xét nghiệm cho gần... 25.000 người có nhu cầu về quê. Tại TP Thuận An, là địa bàn "tuyến cuối" của Bình Dương giáp với TP.HCM nên hầu hết những người về quê đi qua đây. Ước tính chỉ trong một đêm đã có 4.000 người xét nghiệm tại địa điểm phường Vĩnh Phú, qua đó phát hiện 34 F0, đã được đưa đi cách ly, điều trị tập trung.
Tình nguyện viên tại Bình Dương tặng nước và sữa cho người dân miền Tây về quê - Ảnh: B.SƠN
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp tục kêu gọi bà con nên ở lại để được tiêm vắc xin mũi thứ 2 và sẵn sàng trở lại làm việc khi các nhà máy đã bắt đầu được cho hoạt động.
Trong khi đó, chiều cùng ngày, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục phối hợp với huyện Trảng Bom để tổ chức đưa gần 4.000 người lao động trở về các tỉnh, TP. Trong 2 ngày trước đó lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh này cũng đã đưa gần 10.000 người lao động trở về quê.
Tại TP.HCM, từ khoảng 17h cùng ngày, dòng người đi xe máy trên quốc lộ 1 đổ dồn về đoạn giáp ranh giữa huyện Bình Chánh (TP.HCM) và tỉnh Long An càng nhiều. Dòng người này đi theo từng đoàn vài trăm xe, có những thời điểm dòng người kéo dài trăm mét. Tại các chốt kiểm soát khu vực này vẫn còn lực lượng trực nhưng người dân qua mà không phải kiểm tra gì. Riêng chốt trên địa bàn tỉnh Long An có ghi thông báo đề nghị người dân trên địa bàn tỉnh dừng lại khai báo y tế.
Gần 20h dòng người đi xe máy di chuyển qua cửa ngõ TP.HCM hướng về Long An vẫn chưa ngớt.
B.SƠN - H.MI - A LỘC - M.HÒA - C.TUẤN
TTO - Trưa 3-10, ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết ông cùng lãnh đạo 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê.
Xem thêm: mth.1793529040011202-hcid-gnohc-yat-neim-gnuc-gnourt-nahk-yl-hcac-uhk-cac-taoh-hcik-lcsbd/nv.ertiout