Theo ông Vũ Anh Phương, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), trong những năm qua, 100% các đơn vị trong EVNNPC thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương, cảnh sát PCCC các cấp tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, hiệu quả đối với lưới điện sau công tơ.
Đồng thời tham gia các đoàn kiểm tra an toàn PCCC, an toàn sử dụng điện của cơ quan quản lý nhà nước tại các cơ sở, hộ tiêu thụ điện trên địa bàn.
Hiện tại toàn EVNNPC có 2.789 người trong ban chỉ huy PCCC cơ sở; 608 đội PCCC cơ sở, gồm 7.600 đội viên.
9 tháng năm 2021, EVNNPC không để xảy ra sự cố cháy nổ nào. 6 tháng đầu năm, các cơ sở đã tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC được 1.743 lần, cơ quan PCCC tại địa phương phối hợp kiểm tra được 148 lần, tổng công ty và các đơn vị phối hợp kiểm tra được 28 lần.
EVNNPC luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền phòng chống cháy nổ.
EVNNPC đã chủ động trong công tác quản lý, kiểm tra định kỳ các thiết bị PCCC theo quy định, đặc biệt, với các thiết bị PCCC tại các khu vực có nguy cơ gây cháy nổ cao như TBA 110kV, TBA trung gian, kho xưởng... Những trang bị PCCC không đạt tiêu chuẩn, được thanh lý, bổ sung mới và dự phòng đúng số lượng yêu cầu.
Các đơn vị của ngành điện thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng PCCC.
Các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình điện TBA 110 kV đều lập thiết kế hệ thống PCCC theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC... theo quy định trước khi đưa vào vận hành.
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH – C07 (Bộ Công an), trên phạm vi cả nước, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê, trên 50% vụ cháy nổ có liên quan đến sự cố về sử dụng điện hoặc bất cẩn trong sử dụng điện. Thực tế các vụ cháy phát sinh do chạm, chập điện đa phần do nguyên nhân chủ quan do sai sót trong quá trình thiết kế, thi công, mua sắm vật tư thiết bị... là tài sản và thuộc trách nhiệm của chủ cơ sở, hộ tiêu thụ điện (nhận điện sau công tơ), nằm ngoài phạm vi quản lý của ngành điện.
Trong phạm vi quản lý của mình, EVN cũng như EVNNPC và các đơn vị thành viên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa các nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn, ảnh hưởng vận hành lưới điện như tăng cường thực hiện kiểm tra, rà soát chụp ảnh nhiệt. Ngành điện cũng tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện, thay thế kịp thời các vật liệu, thiết bị đã qua sử dụng lâu ngày hoặc chất lượng kém.
Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng C07 đã khẳng định trong một cuộc hội thảo do ngành điện phối hợp tổ chức: Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện ngày càng nhiều. Những yếu tố phát triển đó kéo theo sự gia tăng tiêu thụ năng lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.
Trong thời gian tới, lãnh đạo ngành điện và C07 trong phạm vi trách nhiệm của mình cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về PCCC. Cần có các quy định, chế tài đủ mạnh để buộc các chủ đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng dự án, công trình phải nghiên cứu, nắm bắt rõ và vận dụng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, lựa chọn thiết bị, lắp đặt và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy.
Các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu sử dụng thêm các thiết bị tiêu thụ điện cần phải báo cáo bên bán điện rà soát, đánh giá lại hệ thống đường dây dẫn, thiết bị bảo vệ có đáp ứng yêu cầu hay không, trường hợp không bảo đảm phải được cải tạo, thay thế đồng bộ trước khi đưa vào sử dụng; kiểm tra, bảo trì hệ thống, thiết bị điện, thay thế kịp thời các thiết bị hư hỏng hoặc không bảo đảm yêu cầu. Việc sử dụng điện phải bảo đảm quy định an toàn về PCCC.