Theo trang tin The EurAsian Times, tiêm kích Gripen của hãng Saab (Thụy Điển) là một trong số ít máy bay chiến đấu lớn được bán trên toàn thế giới trong thập niên qua. Gripen thường cạnh tranh với tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter của Mỹ, Eurofighter Typhoon của châu Âu và Rafale của Pháp trong các thỏa thuận máy bay chiến đấu toàn cầu.
Tiêm kích Gripen là máy bay chiến đấu cỡ nhỏ, linh hoạt, một động cơ, được trang bị động cơ Volvo-Flygmotor RM12. Gripen là kết quả của dự án phát triển chung do các công ty Aerotech Telub, Ericsson Microwave Systems, Saab Military Aircraft và Volvo Aero Corporation thực hiện.
Tiêm kích JAS 39 Gripen của Không quân Thụy Điển. Ảnh: Wikipedia
Saab JAS-39 Gripen đáp ứng nhu cầu của các quốc gia tìm kiếm những chiến cơ giá cả phải chăng nhưng uy lực.
Đây là tiêm kích thế hệ thứ tư, ban đầu được phát triển trong những năm 1980 để phục vụ như một máy bay tương đối rẻ hơn, dễ bảo trì, có khả năng chống lại bất kỳ kẻ tấn công tiềm tàng nào. Dự án Gripen là dự án kinh doanh công nghiệp lớn trong lịch sử của quốc gia Bắc Âu.
Tiêm kích đa nhiệm này được Không quân Thụy Điển và các quốc gia khác sử dụng rộng rãi. Trái với quan niệm thông thường, rất nhiều công nghệ của Gripen (như động cơ) trên thực tế đã được thuê ngoài để giảm chi phí.
Theo thời gian, các phiên bản A và B ban đầu của Gripen đã nhường chỗ cho các phiên bản C và D vốn được cải tiến hơn nhiều.
Các biến thể E/F bổ sung tầm hoạt động và khả năng tải trọng lớn hơn, có hệ thống điện tử hàng không hiện đại hơn nhiều. Máy bay trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động Selex Raven ES-05 mới do Anh chế tạo để thay thế radar PS-05/A loại cũ hơn.
Biến thể JAS-39E
Biến thể JAS-39E là phiên bản nâng cấp của Gripen, được trang bị động cơ General Electric F414 mạnh hơn. Thân máy bay được thiết kế lại cho phép tiết kiệm nhiên liệu hơn 40%.
Biến thể JAS-39E còn chứa các giá treo vũ khí bổ sung. Công ty dường như đã tập trung đáng kể vào việc hợp nhất dữ liệu với thông tin từ radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng tia hồng ngoại và các liên kết dữ liệu tiên tiến hơn.
Tiêm kích Gripen E. Ảnh: Saab Photo
Gripen E đã đạt được khả năng tương tác hoàn chỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và được chế tạo đặc biệt cho môi trường Chiến tranh lấy mạng làm trung tâm (NCW) trong tương lai.
Về vũ khí, Gripen E đảm bảo ưu thế không đối không bằng các tên lửa METEOR, AMRAAM, IRIS-T, AIM-9. Trong khi đó, thế hệ vũ khí chính xác và cảm biến nhắm mục tiêu mới nhất đảm bảo khả năng không đối đất vượt trội.
Hạn chế lớn của Saab Gripen
Theo The EurAsian Times, mặc dù tiêm kích Gripen-E rất hấp dẫn về khả năng tác chiến điện tử tân tiến, tích hợp các tên lửa mạnh, tiết diện phản xạ radar được cắt giảm và chi phí vận hành thấp, song mẫu tiêm kích này dường như vẫn thua các đối thủ trên hai mặt trận khá quan trọng, đó là sự ảnh hưởng chính trị và hỗ trợ kinh tế.
Các đối thủ của Gripen như tiêm kích Dassault Rafale, F-35 và Eurofighter Typhoon đi kèm với sự hỗ trợ ngoại giao tương ứng của Pháp, Mỹ và một số nước châu Âu.
Việc tăng cường quan hệ ngoại giao thông qua các thỏa thuận quân sự với những nước vốn hầu hết đều giữ những vị trí quan trọng tại các diễn đàn quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU), (NATO),… là điều có lợi cho các quốc gia khách hàng.
Có sự hỗ trợ chính trị như vậy đằng sau một máy bay cũng giúp máy bay trở thành một lựa chọn đáng để mua hơn.
Tiêm kích Eurofighter Typhoon. Ảnh: The EurAsian Times
Chẳng hạn, blogger hàng không quân sự Ý David Cenicotti cho rằng: “Eurofighter Typhoon là máy bay có công nghệ trẻ hơn, được cho là rẻ hơn và có nhiều ảnh hưởng chính trị hơn vì nó do bốn quốc gia châu Âu chế tạo”.
Thật vậy, việc có thể liên kết về mặt chính trị và kinh tế thông qua một thỏa thuận máy bay với không chỉ một hay hai mà là bốn cường quốc châu Âu (Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha) có thể là một thỏa thuận tốt hơn về lâu dài, thậm chí nếu có mua máy bay đắt hơn một chút so với những lựa chọn khác như Gripen.
Tham gia các thỏa thuận hàng tỉ đô với các cường quốc có thể đưa quốc gia khách hàng trở thành một đồng minh chính thức của chính phủ đó. Điều này có thể mở ra các kênh để hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực quốc phòng và các lĩnh vực quan trọng khác.
Gripen-E đã chịu gánh nặng của sức mạnh chính trị-kinh tế của Anh trong những năm gần đây. Công ty Saab buộc phải từ bỏ cơ hội cung cấp máy bay Griphen-E cho Argentina vì Anh đã áp lệnh cấm xuất khẩu các linh kiện của Anh được sử dụng cho máy bay này.
Ngoài ra, Thụy Điển còn thiếu khả năng kinh tế để hỗ trợ các cuộc đấu thầu Gripen. Khi Ukraine thông báo kế hoạch chi lớn 7,5 tỉ USD để đổi mới lực lượng không quân nước này hồi tháng 5 năm ngoái, Pháp đã giới thiệu máy bay chiến đấu Rafale nước này và bày tỏ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ tài chính để thỏa thuận được thực thi.
Pháp sẵn sàng đảm bảo khoản vay lên tới 85% cho Ukraine để trả tiền mua tiêm kích Rafale. Kiểu ưu đãi này mang lại lợi thế hơn cho các đề nghị của những quốc gia như Pháp và Mỹ, điều mà Thụy Điển hiện không có.