Theo đó, có 29.000 công ty vỏ bọc ở nước ngoài đã được 14 công ty cung cấp dịch vụ về luật và tài chính trên toàn cầu lập ra để tiến hành những giao dịch nhằm trốn thuế, rửa tiền, mua bán tài sản bí mật cho các chính trị gia, quan chức nhà nước, các tỷ phú và cả những ngôi sao hạng A của làng giải trí.
Vụ việc có sự tham gia điều tra của hơn 600 nhà báo đến từ 150 cơ quan truyền thông. Theo những gì được Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế công bố, từ 11,9 triệu tài liệu bao gồm email, bản ghi nhớ, hồ sơ thành lập, ảnh, tệp ghi âm… mà 29.000 chủ sở hữu của các công ty vỏ bọc tại những thiên đường thuế như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ, Singapore, quần đảo Cayman… đã được tìm ra. Bao gồm hơn 100 tỷ phú, 35 nhà lãnh đạo thế giới cùng hơn 330 quan chức nhà nước.
"Chúng ta cứ hiểu rằng chúng ta đã mở ra một chiếc hộp Pandora mà bên trong đó có chứa rất nhiều bí mật", ông Gerard Ryle - Giám đốc Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) nói.
"Hồ sơ Pandora" hé lộ hoạt động tài chính ngầm của nhiều lãnh đạo và nhân vật quyền lực, nổi tiếng trên thế giới - Ảnh: ICIJ
Theo tờ Người bảo vệ của Anh, bí mật được nhắc tới ở đây chính là những "kẽ hở" trong các hoạt động tài chính ở nước ngoài, cho phép nhóm người giàu có có thể tiến hành trốn thuế. Họ sẽ trả tiền để thuê trung gian thành lập các chủ thể pháp lý như công ty vỏ bọc, quỹ ủy thác… ở bên ngoài quốc gia họ sinh sống.
Thay vì mua trực tiếp bất động sản tại London hay New York, khách hàng sẽ mua cổ phần của một công ty bất động sản nước ngoài sở hữu tòa nhà đó để tránh phải nộp thuế tài sản. Một số công ty này được sử dụng để ẩn danh tài khoản ngân hàng, máy bay phản lực tư nhân, du thuyền, biệt thự và các tác phẩm nghệ thuật của Picasso và Banksy.
Ông Gerard Ryle - Giám đốc Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cho hay: "Chúng ta đang nói về những người nằm trong nhóm nổi tiếng bậc nhất trên thế giới. Qua "Hồ sơ Pandora", chúng ta thấy họ mua bất động sản, mua cổ phần ở các công ty nước ngoài, mua nhà, xe hơi, các tác phẩm nghệ thuật".
Bằng cách vén màn che phủ những tài sản bí mật của giới quyền lực và giàu có, "Hồ sơ Pandora" đặt ra câu hỏi về sự cân bằng giữa quyền riêng tư, bảo mật và lợi ích công. Các thiên đường thuế ước tính đã làm chính quyền các nước thất thoát khoảng 400 - 800 tỷ USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân mỗi năm.
Công ty luật hàng đầu của Mỹ Baker McKenzie là một trong số 14 thực thể đứng sau hệ thống thiên đường thuế ở nước ngoài - nơi các cá nhân có thể che giấu tài sản bí mật.
Baker McKenzie cũng chính là tổ chức bị chính quyền nhiều nước cáo buộc chủ mưu vụ biển thủ hơn 4,5 tỉ USD từ quỹ phát triển kinh tế Malaysia có tên 1MDB. Đặc biệt qua "Hồ sơ Pandora", lần đầu tiên Mỹ được nhắc tới như một thiên đường thuế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.46864624140011202-ioig-eht-gnod-nahc-yag-arodnap-os-oh/et-hnik/nv.vtv