Vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang dần được phục hồi, hoạt động sản xuất được duy trì, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động.
Nhiều gải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tại Ninh Bình, đến thời điểm này, tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát chặt chẽ, toàn tỉnh không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, các hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đều được duy trì và đang dần được phục hồi trở lại.
Theo đại diện một số doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, giầy da, linh kiện điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản... cho biết, hoạt động sản xuất của công ty đang dần được phục hồi trở lại, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã ký được đơn hàng với đối tác đến hết quý IV năm 2021. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đó chính là việc khan hiếm nguồn nguyên liệu, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là giá thành cước vận chuyển quá cao dẫn đến hàng hóa sản xuất ra bị tồn kho nhiều.Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cho biết: Để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị đối thoại với gần 100 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Sau khi đối thoại với các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh, Bắc Ireland (UKVFTA). Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa. Đồng thời, tỉnh Ninh Bình đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp tận dụng có hiệu quả lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, góp phần quan trọng khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Lê Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ninh Bình cho biết: Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của các cấp, Hải quan Ninh Bình đã khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động thông quan hàng hóa tại địa bàn quản lý.Trong đó, nêu cao phương châm “đồng hành với doanh nghiệp vượt khó”, đơn vị đã cử cán bộ công chức trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thủ tục hải quan, kịp thời xử lý vướng mắc, không để doanh nghiệp phải chịu thêm bất cứ chi phí nào phát sinh trong quá trình làm thủ tục.
Đồng thời, "Hải quan Ninh Bình đã và đang tiếp tục triển khai một số biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu trao đổi hàng hóa và thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, đẩy mạnh công tác quản lý và chống thất thu thuế…" - ông Hải chia sẻ.
Thu ngân sách nhà nước đạt trên 14,6 nghìn tỉ đồng
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng với sự chỉ đạo tích cực của UBND tỉnh và sự nỗ lực của các ngành, địa phương, các đơn vị doanh nghiệp. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt trên 14,6 nghìn tỉ đồng, đạt 78,6% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 108,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa đạt trên 9,6 tỉ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 4,9 tỉ đồng.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra nhưng với tốc độ phục hồi nhanh của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp tiếp tục sản xuất ổn định như: Kính CFG, Camera module MCNex, Ôtô Thành Công, Xi măng Vissai...Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như ôtô, kính nổi, clinker, NPK, giầy vải, thanh phôi nhôm... có xu hướng tăng đều và đều đạt hoặc vượt kế hoạch năm 2020. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 11.000 tỉ đồng, tăng 12,6% so với năm 2020.
"Với mục tiêu đặt ra trong năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp đạt trên 60.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm mới cho trên 3.500 lao động, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình đã tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án đã hoạt động tiếp tục sản xuất kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình trong năm 2021" - ông Hiển nói.
Xem thêm: odl.271069-peihgn-gnoc-taux-nas-cuv-uhk-cac-iat-taux-nas-ioh-cuhp-hnib-hnin/et-hnik/nv.gnodoal