Hàng Việt lép vế trên sàn TMĐT?
Theo đơn vị này, khảo sát thông qua việc đếm số lượt tìm kiếm và click vào sản phẩm, đơn vị đã phát hiện ra thực tế là các sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% các mặt hàng được tìm mua trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong năm 2020 và nửa đầu 2021.
Ngược lại, có đến 83% số sản phẩm được quan tâm là hàng ngoại nhập. Đáng lo ngại hơn, lượng hàng Việt được lựa chọn còn có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021.
Chưa tới 20% nhóm các mặt hàng được tìm mua trên sàn TMĐT mùa dịch là hàng Việt Nam. Ảnh: Thu Hà
Cụ thể, tỉ lệ hàng hóa mang thương hiệu Việt trong top 1.200 sản phẩm bán chạy chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020.
Trong đó, Sendo là sàn được người dùng tìm kiếm các sản phẩm thương hiệu Việt nhiều nhất với 25%, theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).
Bước sang nửa đầu năm 2021, các mặt hàng thuộc thương hiệu trong nước chỉ còn chiếm 14% các sản phẩm được người tiêu dùng tìm mua, cho thấy một sự suy giảm rõ so với năm 2020. Dẫn đầu trong chỉ số này giữa các sàn năm 2021 tiếp tục là hai sàn nội địa Tiki (21%) và Sendo (16%).
Những số liệu này có thể hoàn toàn dễ hiểu khi Tiki là sàn duy nhất trong bốn sàn bắt buộc tất cả người bán phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Quy định này vô hình trung làm giảm một lượng nhà bán chuyên nhập hàng ngoại về bán lại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nội.
Trong khi đó, Sendo ghi dấu ấn trong năm 2021 với các chương trình Gian Hàng Việt phối hợp cùng Bộ Công Thương và tích cực xúc tiến đưa nông sản các tỉnh lên sàn trong mùa dịch.
Lãnh đạo Sendo gần đây cũng không giấu mong muốn biến sàn này thành địa chỉ kinh doanh trực tuyến của các thương hiệu Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch sàn TMĐT Sendo cho rằng những con số trên không thể nói rằng hàng Việt đang lép vế bởi hàng ngoại nhập.
"Trên kinh nghiệm, tôi thấy 20% là sát thực tế. Song nếu ai cho rằng hàng Việt lép vế do kém chất lượng, do người tiêu dùng không ủng hộ thì tôi không đồng ý.
Lý do thật là bởi doanh nghiệp Việt chưa quan tâm TMĐT đúng mức. Hai năm cùng Bộ Công Thương đưa hàng Việt lên TMĐT, chúng tôi gặp nhiều đơn vị hoàn toàn dựa vào bán lẻ truyền thống, chứ ít nghĩ đến TMĐT” - ông Dũng nói.
Dẫu vậy, thực tế số liệu đã cho thấy việc các sàn nội tạo điều kiện cho hàng Việt là một mặt nhưng để hàng Việt phổ biến hơn trên TMĐT thì cần xuất phát từ chính bản thân nỗ lực của doanh nghiệp trong nước.
Nông sản đang nóng trên các sàn TMĐT
Theo báo cáo TMĐT quý II-2021 từ iPrice và số liệu từ Google, lượt tìm kiếm từ khóa liên quan đến cửa hàng tạp hóa trực tuyến tăng 223% trong quý II-2021 và tăng 11 lần trong tháng 7 so với các tháng trước đó.
Trong đó, các mặt hàng nông sản đặc sản đã trở thành nhóm ngành bán chạy trên các sàn TMĐT, đặc biệt là Sendo và Tiki.
Số liệu thu thập thực tế trên sàn Sendo ở ngành hàng nông sản đặc sản có nguồn gốc Việt Nam cho thấy tăng vọt 50% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, trong năm 2020, con số này cũng đã tăng 29% so với năm 2019.
Sàn này cho biết số lượng đơn hàng mua nông sản đặc sản có nguồn gốc Việt Nam trong năm 2021 cũng tăng đến 45% so với năm ngoái. Một số sự kiện nổi bật bao gồm xúc tiến thành công 100 tấn rau Hải Dương và 100 tấn vải thiều Bắc Giang trên sàn Sendo.
Rõ ràng ảnh hưởng của dịch trong hai năm 2020 và 2021 đã vô tình tạo nên những điều kiện kích thích sự phát triển của ngành nông nghiệp trực tuyến về cả cung và cầu. Bản đồ nông sản đặc sản, bách hóa Việt Nam trên sàn TMĐT đã và đang được tô vẽ bởi các doanh nghiệp nước nhà.
Thế nhưng, để trở thành ngành "đẻ trứng vàng” cho TMĐT hậu đại dịch thì cần nhiều nỗ lực và phải được tạo điều kiện từ nhiều phía, tương tự như các chương trình xúc tiến nông sản của Bộ Công Thương các tháng vừa qua.