Doanh nghiệp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho lao động có thể vẫn phải xét nghiệm bắt buộc - Ảnh: NHƯ Ý
Văn bản sau "đá" văn bản trước
Ngày 3-10, Bộ Y tế ban hành văn bản 8318 về xét nghiệm, cách ly phòng chống dịch COVID-19 với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn trước yêu cầu "người di chuyển từ vùng nguy cơ rất cao sang vùng có nguy cơ phải xét nghiệm, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày" dù đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Quy định này gây ngạc nhiên trong cộng đồng doanh nghiệp, bởi mới trước đó mấy ngày bộ này có hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 với cơ sở sản xuất, kinh doanh, cho phép lao động đã tiêm đủ 2 liều vắc xin không phải xét nghiệm định kỳ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Đỗ Thị Thúy Hương - ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam - cho hay nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị hoạt động trở lại, đẩy mạnh sản xuất nên rất cần được tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề đi lại, xét nghiệm nhằm giảm chi phí.
Trong khi đó, quy định của các văn bản trên lại thiếu thống nhất và không rõ ràng khiến doanh nghiệp lúng túng. Bởi có rất nhiều trường hợp người lao động làm việc ngoại tỉnh, phải di chuyển giữa các địa phương, nếu yêu cầu phải có xét nghiệm sẽ rất khó khăn.
Cụ thể, nếu văn bản trước yêu cầu xét nghiệm định kỳ hằng tuần với vùng nguy cơ rất cao; hoặc 2 tuần/lần với vùng nguy cơ cao, có nguy cơ thì văn bản sau quy định khi di chuyển giữa các vùng, buộc phải có giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 72 giờ, nên doanh nghiệp phải tăng tần suất xét nghiệm với những trường hợp lao động ở vùng nguy cơ cao, vùng ngoại tỉnh.
"Việc xét nghiệm như vậy làm mất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp", bà Hương nói.
Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam,, cho hay khó khăn lớn nhất để doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại là việc tạo thuận lợi trong đi lại, di chuyển của lao động, nhưng những văn bản ban hành lại thiếu tính thống nhất, nhiều địa phương tùy tiện áp dụng, đặt ra quy định riêng.
Có nơi tần suất xét nghiệm vẫn "dày đặc"
Bà Xuân đặt câu hỏi với các văn bản này, không rõ công nhân đã tiêm đủ 2 mũi, khi làm việc ngoại tỉnh, phải đi lại giữa các địa phương thì có phải xét nghiệm hay không?
Thực tế, nhiều địa phương hiện nay khi hướng dẫn thực hiện, tự đưa ra những quy định "vượt khung", tùy tiện. Đơn cử tại Bình Dương, với người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn yêu cầu tần suất xét nghiệm "dày đặc", lao động phải xét nghiệm ít nhất 2 lần trước khi vào sản xuất và khi sản xuất phải xét nghiệm cho tất cả người lao động 2 lần/tuần...
Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng Thủ tướng đã có chỉ thị về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp, yêu cầu tạo thuận lợi để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, có quy định cụ thể về giãn cách, xét nghiệm, đảm bảo lưu thông hàng hóa, xử lý nghiêm vi phạm nếu không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị các bộ ngành liên quan và địa phương cần ban hành các văn bản hướng dẫn thống nhất, rõ ràng, cụ thể, tránh tình trạng phát sinh thêm các thủ tục, quy định mới, giấy phép con làm khó doanh nghiệp.
Tiêm đủ liều vẫn xét nghiệm chặt chẽ sẽ gây khó đi lại, làm việc
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia của Bộ Y tế nhận xét so với công văn cách đây ít ngày quy định người làm việc trong các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan đã tiêm 2 mũi vắc xin không phải xét nghiệm định kỳ, thì hướng dẫn mới do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành hôm 3-10 có những điểm "vênh" khi yêu cầu tiêm đủ 2 mũi vẫn phải xét nghiệm, cách ly khi di chuyển giữa các vùng.
Đáng chú ý, quy định này cũng trái ngược với hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải ban hành cách đây vài ngày, người tiêm 1 mũi vắc xin sau 3 tuần, hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng đi máy bay, tàu hỏa không phải xét nghiệm.
Như vậy các hướng dẫn hiện có đang có "độ vênh" đối với người đã tiêm vắc xin, đặc biệt khi di chuyển giữa các vùng.
Hướng dẫn ngày 3-10 lại quy định người đã tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng di chuyển từ vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến vùng tương đương hoặc thấp hơn vẫn phải có kết quả xét nghiệm mẫu đơn trong 72 giờ và tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Quy định này cho thấy việc di chuyển giữa các tỉnh, thành cùng điều kiện nguy cơ cao, rất cao nhưng vẫn phải xét nghiệm và theo dõi sức khỏe. Nếu di chuyển từ vùng nguy cơ cao đến khu vực bình thường mới ngoài xét nghiệm sẽ phải theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày. Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ phải cách ly 7 ngày tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm 5-7 ngày/lần.
Với những hướng dẫn này, thời gian theo dõi sức khỏe của cùng đối tượng đã tiêm đủ liều vắc xin lại khác nhau, nơi hướng dẫn theo dõi 7 ngày, nơi theo dõi 14 ngày. Và cũng cùng đối tượng đã tiêm chủng đủ liều, hướng dẫn mới yêu cầu xét nghiệm, nhưng hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải 4 ngày trước xây dựng trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, lại cho biết đã tiêm vắc xin (từ 1 mũi) thì không phải xét nghiệm.
Sắp tới, khi số người tiêm vắc xin nhiều hơn (hiện đã có trên 10 triệu người tiêm đủ 2 mũi), việc di chuyển mở rộng hơn, nếu vẫn áp dụng hướng dẫn xét nghiệm chặt chẽ với người đã tiêm đủ liều như hiện nay và các quy định "vênh" nhau sẽ gây khó khăn cho việc đi lại, làm việc nói chung của người dân.
Việc hướng dẫn khác nhau cũng sẽ gây khó cho việc thực hiện, nhất là khi số lượng người đi lại quá đông cũng ảnh hưởng đến tính khả thi khi thực hiện xét nghiệm, trả kết quả...
TTO - Từ 1-10 đến 31-10, cơ quan, đơn vị nhà nước được bố trí 1/2 lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc có thẻ xanh COVID làm việc tại trụ sở. Người đến giải quyết thủ tục hành chính phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nếu chưa đủ phải có xét nghiệm âm tính.