Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa hoàn thành điều tra xu hướng kinh doanh trong quý IV/2021 với toàn bộ tổ chức tín dụng. Theo đó, nhiều ngân hàng cùng chung nhận định, trong quý III/2021, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức thấp và giảm so với quý trước, nhu cầu gửi tiền giảm mạnh.
Tính đến ngày 20/9/2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 7,48%. Tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp tại hệ thống tổ chức tín dụng tăng 3,59% trong 7 tháng đầu năm. Đây là tăng mức thấp nhất trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 10,14% vào cuối tháng 6 trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay. Trong năm 2012 tiền gửi của cư dân từng được ghi nhận mức cao kỷ lục tới 17,18% và 15,91% vào năm 2013.
Hiện tăng trưởng tiền gửi đang chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng. Tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,17%, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2020 là chỉ đạt 4,99%.
Tiền gửi của người dân vào các ngân hàng đang chậm lại. (Ảnh minh họa) |
Tình hình dịch bệnh phức tạp nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người dân đã giảm, trong đó có cả nhu cầu tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi thanh toán. Song theo nhận định của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, tiền gửi vào ngân hàng bị chậm lại một phần do ảnh hưởng từ dịch bệnh, người dân muốn giữ tiền mặt để chi tiêu mua sắm. Nhưng phần lớn là do lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp kỷ lục, người dân có xu hướng đầu tư vào các kênh hấp dẫn như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu.
Tính đến cuối tháng 8/2021, có hơn 3,61 triệu tài khoản chứng khoán trên thị trường, tăng gần 121.000 so với tháng trước. Trong đó thì tài khoản của nhà đầu tư cá nhân là trên 3,56 triệu. Nhóm vốn mà nhà đầu tư rót tiền nhiều nhất là lĩnh vực vận tải do giá cước vận tải liên tục tăng, đẩy cố phiếu vận tải và cảng biển tăng giá; kế đến là cổ phiếu đầu tư công do nhà đầu tư kỳ vọng nhà nước sẽ rót vốn để kích thích nền kinh tế sau COVID-19. Cuối cùng là lĩnh vực dược phẩm, được đánh giá là “ăn nên làm ra” trong mùa dịch bệnh.
Các tổ chức tín dụng kỳ vọng nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu này sẽ khôi phục trở lại trong quý IV/2021. Dự báo là tình hình huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng sẽ tăng 4,6% trong quý IV/2021 và tăng 10,4% trong năm 2021. Mức kỳ vọng này đã giảm so với mức kỳ vọng 11,9% tại kỳ điều tra trước.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù tiền gửi tăng trưởng thấp, huy động vốn của ngân hàng không đạt như kỳ vọng nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn rất dồi dào dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Dự báo trong quý cuối năm 2021 và cả năm 2022, thanh khoản vẫn sẽ duy trì ở trạng thái ổn định, hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, lượng tiền gửi của người dân giảm cũng ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến khó khăn về việc hỗ trợ nguồn vốn sau dịch bệnh, dẫn đến áp lực thanh khoản có thể xảy ra trong tương lai.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.1057441a-us-hcil-gnort-tahn-paht-gnah-nagn-oav-iug-nad-iougn-neit/nv.moc.enilnounuhp.www