Tối 4-10, Bộ Y tế cho biết 24 giờ qua Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.383 ca nhiễm mới, trong đó một ca nhập cảnh.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh: TP.HCM (2.490), Bình Dương (1.210), Đồng Nai (701), An Giang (222), Sóc Trăng (118), Long An (90), Kiên Giang (69), Khánh Hòa (53), Tiền Giang (52), Bình Thuận (48), Cà Mau (36), Hà Nam (36), Đồng Tháp (33), Cần Thơ (27), Bà Rịa - Vũng Tàu (25), Tây Ninh (20), Quảng Bình (18), Quảng Ngãi (17), Bình Định (14).
Ngoài ra, Ninh Thuận (12), Bến Tre (12), Trà Vinh (10), Nghệ An (10), Quảng Trị (9), Bạc Liêu (9), Hà Nội (8), Đắk Nông (8), Vĩnh Long (7), Phú Yên (5), Nam Định (3), Thanh Hóa (2), Bắc Ninh (2), Phú Thọ (2), Bắc Giang (1), Đà Nẵng (1), Hải Dương (1), Gia Lai (1).
Theo Bộ Y tế, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Sóc Trăng (118), An Giang (75), Tiền Giang (39).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 813.961 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính theo tỉ lệ số ca nhiễm/triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.269 ca nhiễm).
Cũng trong hôm nay, Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, ghi nhận 27.683 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Đáng chú ý, Bộ Y tế cho hay đang xây dựng kế hoạch bảo đảm công tác y tế, phòng chống dịch bệnh COVID-19 phục vụ kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV. Trong đó các nhiệm vụ cụ thể gồm bảo đảm phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19; bảo đảm vệ sinh môi trường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm cấp cứu, khám chữa bệnh; bảo đảm đáp ứng cấp cứu khẩn cấp các tình huống thảm họa, khủng bố hóa học, sinh học.
Đồng thời, để giải tỏa và làm sạch bệnh viện, Bệnh viện Việt Đức dự kiến phối hợp cùng các cơ quan liên quan chuyển bệnh nhân đến điều trị tiếp tục tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.