Thông tin tại hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 hôm 1/10/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí... quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.
Thực tế trong các chương trình hỗ trợ nói trên, “nặng gánh” nhất vẫn là ngành Ngân hàng. Ngay từ khi Covid-19 xuất hiện, ngành Ngân hàng đã luôn đi đầu trong triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tâm thế của ngành Ngân hàng, như Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Các giải pháp phải được triển khai kịp thời, nhất quán, quyết liệt, hiệu quả để chia sẻ với doanh nghiệp, cộng đồng…
Theo tổng hợp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA): Lũy kế từ khi có dịch đến nay, các TCTD đã cắt giảm khoảng 30 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, trong đó gần 27 nghìn tỷ đồng là để hỗ trợ lãi suất, 2 nghìn tỷ đồng để giảm phí.
Xin dẫn ra đây một chương trình cụ thể: Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN, 16 NHTM đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Ngoài cam kết chung này, 4 NHTM Nhà nước còn cam kết dành riêng 4.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 1.000 tỷ đồng) để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Cập nhật mới nhất, từ ngày 15/7 đến ngày 31/8/2021, 16 NHTM đã thực hiện giảm lãi suất cho vay theo cam kết với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 8.865 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong hơn một tháng triển khai các NHTM đã đạt 43,01% cam kết. Cùng với con số tổng hợp chung, thống kê của VNBA cũng “điểm mặt chỉ tên” cụ thể mức giảm, tiến độ thực hiện giảm lãi suất của từng NHTM.
Thông tin đáng chú ý tuần qua là trong phiên họp mới đây, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trên tinh thần ngân hàng cho vay, Chính phủ dùng ngân sách hỗ trợ một phần lãi suất.
Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nếu ngân sách Nhà nước bỏ ra số tiền 3.000 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ 3%/năm thì sẽ tương đương với mức dư nợ tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng. Theo TS. Cấn Văn Lực, để triển khai gói hỗ trợ này thì điều kiện tiên quyết là cần có trọng tâm, trọng điểm, nhắm tới một số đối tượng, địa bàn chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh… Còn theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA, khi xây dựng các gói hỗ trợ đặc biệt trong giai đoạn này cần phải có cơ chế đặc thù thì tính khả thi mới cao, việc giải ngân vốn mới thuận lợi, kịp thời…
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là con trong gia đình có bố hoặc mẹ mất do dịch Covid-19 và chưa có máy tính để học tập trực tuyến.
Theo dự thảo, điều kiện vay vốn là tại thời điểm vay vốn, hộ gia đình có học sinh, sinh viên không có đủ máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến và học sinh, sinh viên đó chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến dưới mọi hình thức. Mức cho vay được đề xuất tối đa là 7 triệu đồng/học sinh, sinh viên. Với mức cho vay tối đa này, dự kiến tổng nguồn vốn bố trí để cho vay là khoảng 3.500 tỷ đồng; Thời hạn cho vay dưới 12 tháng; lãi suất cho vay là 0%/năm, lãi suất nợ quá hạn là 6,6%/năm bằng lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay. Thời gian giải ngân từ ngày quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/3/2022.
Bộ Tài chính đề xuất nguồn kinh phí để triển khai chương trình hỗ trợ này sẽ lấy từ gói tín dụng 7.500 tỷ đồng từ nguồn vay tái cấp vốn của NHNN theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ mà Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai để cho vay trả lương cho người lao động.
Triển khai các gói hỗ trợ đến người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 là cần thiết, song quan trọng nhất vẫn là hiệu quả, kịp thời và đúng đối tượng. Tuy nhiên nói như TS. Cấn Văn Lực, không thể chỉ dựa vào một mình chính sách tiền tệ để giải quyết những khó khăn, thách thức hiện nay, mà đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ các giải pháp khác như các gói hỗ trợ tài khóa, an sinh xã hội và chiến lược, chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn.
Đặc biệt theo các chuyên gia, cần đẩy nhanh chiến lược tiêm vaccine, bởi chỉ có phủ nhanh, phủ rộng vaccine mới có thể giúp sản xuất phục hồi, từ đó mới hóa giải tận gốc những khó khăn, thách thức hiện tại.
Xem thêm: lmth.89170000042210202-uad-mal-auq-ueih-yal-nac-91-divoc-ort-oh-iog-cac-iahk-neirt/nv.semitaer