Nghị quyết 68/2021 (nghị quyết) của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai cho các địa phương từ rất sớm. Đến nay, số tiền UBND tỉnh duyệt cho các nhóm được hỗ trợ đã hơn 723 tỉ đồng.
Nhưng qua thực tế áp dụng, tỉnh nhận thấy còn một số vướng mắc, chưa hợp lý nên đã ghi nhận và kiến nghị sửa đổi.
Ngư dân chưa được hỗ trợ
Ông ĐTT, chủ một nhà nghỉ nhỏ tại TP Vũng Tàu, cho biết từ khi địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19, nhà nghỉ của ông đã tạm dừng kinh doanh, không có khách.
“Phường có nói làm hồ sơ để xem xét hỗ trợ, tôi đã nộp đầy đủ. Tuy nhiên, mới đây phường trả lại hồ sơ với lý do dịch vụ lưu trú không bị cấm hoạt động khi giãn cách xã hội nên không thuộc diện được hỗ trợ. Tôi rất thắc mắc, vì dù không nằm trong khu phong tỏa nhưng đã giãn cách xã hội thì không ai đi lại, làm sao thuê phòng” - ông T nói.
Chủ một khách sạn ba sao tại đường Thùy Vân (TP Vũng Tàu) cũng cho biết từ khi giãn cách xã hội đến nay, khách sạn không có khách, các nhân viên đều nghỉ. “Doanh nghiệp chưa được hỗ trợ gì theo chính sách dù tôi đã làm hồ sơ theo yêu cầu gửi phường” - chủ khách sạn cho biết.
Đó là ở nhóm dịch vụ lưu trú, còn ở một nhóm khác cũng phải ngừng hoạt động, gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 nhưng không được hỗ trợ theo nghị quyết, đó là các ngư dân đánh bắt gần bờ, người làm thuê trên các tàu đánh bắt xa bờ…
Tại thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), rất nhiều ngư dân có thuyền thúng, ghe nhỏ để đánh bắt gần bờ. Khi giãn cách xã hội, họ phải ngừng đánh bắt, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhưng nếu theo nghị quyết, họ không được hỗ trợ vì thực tế hoạt động của họ không có giao kết hợp đồng lao động.
Ngư dân thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ đi đánh bắt trở lại sau thời gian giãn cách. Ảnh: TK
Cần sửa điều kiện được hỗ trợ
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: “Các nhà nghỉ, khách sạn trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 nhưng không nằm trong khu phong tỏa, phải cách ly thì không được hỗ trợ. Đây là điều thiệt cho hộ kinh doanh, người dân. Tuy nhiên, do Nghị quyết 68/2021 nêu rõ như vậy nên địa phương chưa chi hỗ trợ được”.
Theo ông Khánh, những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nghị quyết, địa phương và tỉnh đều đã ghi nhận. Tỉnh cũng đã có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH, đề xuất Chính phủ sửa đổi.
Cụ thể, sở đề xuất theo hướng mở rộng nhóm áp dụng (lao động làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân sử dụng lao động, tổ chức khác…), giảm thiểu điều kiện hỗ trợ…
Trong trường hợp chưa sửa nghị quyết, sở cũng có đề xuất HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho các nhóm chưa được nêu trong nghị quyết như: Lao động bị mất việc làm trước ngày 1-5-2021; lao động có giao kết hợp đồng lao động nhưng không tham gia đóng BHXH, dừng đóng BHXH trước tháng 5-2021 bị mất việc làm…
Theo đó, ngày 28-9, tỉnh đã ban hành Quyết định 2957 về hỗ trợ một lần đối với các ngư dân có tàu, ghe, thúng đánh bắt hải sản gần bờ với mức 1,5 triệu đồng/người; người làm thuê không có hợp đồng lao động với cá nhân, tổ chức trong công việc đánh bắt hải sản xa bờ với mức 50.000 đồng/người/ngày thực tế mất việc nhưng không quá 3,5 triệu đồng/người.
Bộ LĐ-TB&XH đã trình dự thảo sửa đổi Nghị quyết 68/2021 Bộ LĐ-TB&XH cho biết bộ này đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/2021 về chính sách hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp. Theo đó, dự thảo đề xuất điều kiện hưởng chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là “doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 1-2021”. Tức điều chỉnh giảm điều kiện từ 15% xuống 10%. Nhóm chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ kinh doanh cũng được sửa đổi điều kiện nhận hỗ trợ. Nội dung này bổ sung điều kiện “hoặc có địa điểm kinh doanh phải dừng hoạt động” so với quy định hiện hành. Về các trường hợp lao động có giao kết hợp đồng lao động nhưng chưa được hưởng chính sách, bộ cho biết đã sửa theo hướng quy định chính sách hỗ trợ đối với NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động cho tất cả người sử dụng lao động trong các loại hình sản xuất, kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tránh bỏ sót NLĐ. Về việc tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phòng chống dịch COVID-19, một số địa phương còn lúng túng, chưa có cách hiểu thống nhất để hướng dẫn triển khai. Trên thực tế, có những địa phương không có quyết định/văn bản/thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tạm dừng hoạt động cụ thể cho từng doanh nghiệp, ngành nghề. Chỉ có văn bản chỉ đạo chung chung “yêu cầu thực hiện dừng các hoạt động không thiết yếu”. Vì vậy, chưa thực hiện xác lập hồ sơ hỗ trợ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng, cơ quan soạn thảo đã bổ sung điều kiện để các nhóm dễ dàng tiếp cận chính sách. Chẳng hạn, bổ sung các trường hợp dẫn tới tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc của NLĐ làm việc tại các đơn vị hoạt động trên địa bàn áp dụng nguyên tắc của Chỉ thị 16 cho phù hợp với tình hình thực tiễn… VIẾT LONG |