Thông tin giới thiệu trên trang web của các trường - Ảnh chụp màn hình
Theo thông tin phóng viên Tuổi Trẻ nắm được, hiện chỉ có ĐH RMIT Việt Nam là trường 100% vốn nước ngoài được phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Là chương trình liên kết
Theo giới thiệu trên website và fanpage "ĐH Greenwich (Việt Nam)", đây là chương trình liên kết giữa ĐH Greenwich Vương quốc Anh và ĐH FPT từ năm 2009. Hiện có hơn 14.000 sinh viên từ 12 quốc gia đã và đang theo học. Sinh viên sau khi hoàn thành chương trình dự bị tiếng Anh (khoảng 10 tháng) sẽ chính thức bước vào chương trình chính khóa BTEC level 5 trong thời gian 2 năm. Tiếp đó sinh viên thực tập 4 tháng và tiếp tục học 1 năm chuyên sâu theo chương trình của ĐH Greenwich (Anh quốc) để được cấp bằng tốt nghiệp.
Tương tự, Swinburne Việt Nam (tên trên website) thực chất là chương trình liên kết đào tạo của Trường ĐH FPT và ĐH Công nghệ Swinburne (Úc). Trong email gửi cho học sinh đạt học bổng, đơn vị này sử dụng tên gọi ĐH Swinburne Việt Nam. Theo giới thiệu trên trang web của chương trình này, ĐH Công nghệ Swinburne liên kết với ĐH FPT để thành lập Swinburne Việt Nam. Chương trình này có 2 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP.HCM.
Một chương trình liên kết khác cũng được đặt tên là Broward Việt Nam. Đây là chương trình liên kết đào tạo giữa CĐ Việt Mỹ (trước đây là CĐ nghề Việt Mỹ) với Broward College. Trang web của chương trình giới thiệu Broward Việt Nam là 1 trong 10 trung tâm quốc tế chính thức của Broward College (Hoa Kỳ). Trong khi đó, trang web của Trường CĐ Việt Mỹ giới thiệu ĐH Broward Việt Nam là 1 trong 3 phân hiệu quốc tế chính thức tại châu Á và duy nhất tại Việt Nam của ĐH Broward, Hoa Kỳ (Broward College). Sau 2 năm đầu học tại Việt Nam, sinh viên được cấp bằng CĐ. Nếu muốn lấy bằng ĐH sinh viên phải chuyển tiếp sang Mỹ hoặc các nước khác học 2 năm còn lại.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, đại diện Broward Việt Nam cho biết Broward Việt Nam là trung tâm quốc tế chính thức (International center) của ĐH Broward. Chương trình đào tạo của Trường ĐH Broward ở TP.HCM theo giấy cấp phép này đang được triển khai theo đúng chương trình của ĐH Broward của Mỹ cùng với mã môn học, khung chương trình đào tạo, tiêu chuẩn đầu vào, ngôn ngữ dạy và học, tiêu chuẩn giảng viên tham gia giảng dạy... đều theo đúng quy định của ĐH Broward tại Mỹ và tổ chức kiểm định SASCOC.
Đại diện FPT cũng khẳng định "ĐH Greenwich (Việt Nam)" là chương trình liên kết (có ghi rõ trên website) do trường đối tác cấp bằng. Người học học toàn bộ thời gian ở Việt Nam và được trường đối tác cấp bằng tốt nghiệp ĐH. Bằng tốt nghiệp ĐH Greenwich được Bộ GD-ĐT Việt Nam công nhận văn bằng.
Tránh gây hiểu lầm
Trong khi đó, đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết theo điều 44 nghị định số 86/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, thẩm quyền cho phép thành lập phân hiệu là của Bộ GD-ĐT. Đến nay, Bộ GD-ĐT chưa có quyết định thành lập phân hiệu của ĐH Broward, Hoa Kỳ. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đề nghị các đơn vị khi đưa thông tin cần minh bạch, chính xác đến phụ huynh, học sinh và xã hội, tránh trường hợp gây hiểu lầm.
Vụ Giáo dục đại học cho rằng Greenwich Việt Nam hay Swinburne Việt Nam có thể được hiểu là tên chương trình hoặc cũng có thể hiểu là cơ sở đào tạo. "Theo quy định của pháp luật, đối với việc thành lập cơ sở đào tạo tại Việt Nam mới có quy định về việc đặt tên. Đối với chương trình đào tạo, việc đặt tên chương trình thuộc thẩm quyền của cơ sở đào tạo. Nếu chương trình nào cũng đặt tên như vậy thì Việt Nam có đến hàng trăm trường như ĐH RMIT Việt Nam", một cán bộ Bộ GD-ĐT nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, nghị định 86 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định rõ liên kết đào tạo không được tổ chức đào tạo ngoài trụ sở chính của cơ sở giáo dục Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Chương trình liên kết Greenwich và Swinburne đều có nhiều cơ sở đào tạo khác nhau và đều nằm ngoài trụ sở chính của ĐH FPT.
Ảnh hưởng gì đến người học?
Một cán bộ quản lý giáo dục cho rằng các chương trình liên kết đào tạo đặt tên như phân hiệu của trường nước ngoài tại Việt Nam dễ khiến xã hội, phụ huynh và học sinh Việt Nam hiểu lầm là học tại phân hiệu của trường ĐH nước ngoài tại Việt Nam.
"Xem kỹ thông báo tuyển sinh của một số chương trình cho thấy không có yêu cầu ngoại ngữ đầu vào như nghị định 86 (điểm d khoản 3 điều 17: phải có tối thiểu bậc 4/6), người học có thể bị chậm tiến độ hoặc không đáp ứng được yêu cầu khi vào học chính thức. Ngoài ra, phụ huynh và sinh viên có thể không biết là học chương trình liên kết đào tạo. Điều này không công bằng với các chương trình liên kết đào tạo của các trường ĐH khác tại Việt Nam. Là chương trình liên kết đào tạo phải thực hiện đúng quy định ở nghị định của Chính phủ như địa điểm đào tạo; yêu cầu đầu vào; chương trình học 100% bằng tiếng Anh. Khi trường vi phạm nhưng sinh viên không biết sẽ ảnh hưởng đến việc công nhận bằng cấp cho sinh viên tốt nghiệp", vị này nói.
TTO - Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học. Quy chế này là bộ tiêu chuẩn để các cơ sở dựa vào đó xây dựng quy chế đặc thù cho trường mình, với điều kiện là phải bằng hoặc cao hơn bộ tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT.
Xem thêm: mth.51874840240011202-man-teiv-iat-iaogn-coun-hd-yah-oat-oad-tek-neil/nv.ertiout