Đó là những nhắn nhủ của PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong thư gửi tân sinh viên và sinh viên toàn trường nhân dịp đầu năm học mới 2021-2022.
Được biết, từ tuần này, gần 20.000 sinh viên của trường đã chính thức bước vào tuần học đầu tiên của năm học mới 2021-2022. Lễ khai giảng của trường cũng đã được tổ chức ngay trước đó và lần đầu tiên diễn ra theo hình thức trực tuyến vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đầu thư, PGS.TS Mai Thanh Phong viết: “Các em tân sinh viên thân mến! Thật đáng tiếc, ngay ngưỡng cửa đại học các em đã phải đối diện với những thách thức to lớn mà đại dịch COVID-19 gây ra. Đây rõ ràng là thiệt thòi đối với các em, nhưng hãy bình tĩnh và biến những khó khăn đó thành cơ hội thích ứng với những thay đổi quanh mình. Có thể các em đã được biết nhiều từ kinh nghiệm của các anh chị đi trước, cũng như những lời khuyên dạy của cha mẹ, nhưng tôi vẫn muốn có một vài lời khuyên cho các em khi bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc đời này. Tôi hy vọng các em sẽ luôn vượt qua các khó khăn và đạt được những mục tiêu tốt đẹp”.
Trong thư, PGS.TS Mai Thanh Phong cũng đã nhắn nhủ bốn điều quan trọng nhất đến sinh viên, nhất là những em lần đầu tiên bước vào môi trường đại học. Cụ thể:
Thứ nhất là “Hãy tự lập”. Bởi theo ông, bước vào môi trường đại học, đồng nghĩa các em bước vào tuổi người lớn, người trưởng thành. Phần lớn các em phải rời gia đình, cha mẹ để một mình đến sinh sống và học tập ở một nơi xa lạ. Vì vậy, ông mong rằng các em sẽ tự lập và trách nhiệm hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống.
“Chắc chắn không ít các em vẫn được sinh sống cùng cha mẹ tại thành phố này, và tôi biết nhiều bậc cha mẹ vẫn cư xử với các bạn sinh viên của chúng ta như những đứa trẻ. Tôi cũng kêu gọi các bậc cha mẹ hãy thấu hiểu và hỗ trợ các con, nhưng không nuông chiều. Ở trường ĐH Bách Khoa, mặc dù các em sẽ luôn nhận được hỗ trợ, hướng dẫn từ thầy cô, đoàn, hội,.., nhưng các em hoàn toàn có đủ không gian để tự lập, tự quyết đinh mọi việc cho chính mình” – PGS.TS Phong viết.
Sinh viên Trường ĐH Bách Khoa không về quê do dịch nhận thực phẩm hỗ trợ từ nhà trường.
Thứ hai, hãy nhanh chóng thích ứng với môi trường mới, hoàn cảnh mới.
PGS.TS Phong cho rằng phương pháp dạy và học cũng như khối lượng kiến thức được trang bị ở trường đại học là rất khác so với ở bậc phổ thông. Có thể nhiều em sẽ than phiền rằng sao thầy/cô không chỉ bảo một cách chi tiết? Nhưng không, ở bậc đại học nói chung và Trường ĐH Bách Khoa nói riêng, thầy cô sẽ không phải là người cầm tay chỉ việc. Trường đại học sẽ trang bị cho sinh viên khả năng tự học, tư duy phản biện để giúp sinh viên khám phá đam mê và khuyến khích sinh viên theo đuổi những mục tiêu xa hơn.
Thứ ba, hãy chấp nhận sự khác biệt và dám khác biệt
PGS.TS Phong chia sẻ, ở trường ĐH Bách Khoa, mỗi khoá có khoảng 5.000 và luôn có khoảng 20.000 sinh viên đến từ nhiều vùng miền khác nhau, từ các hoàn cảnh gia đình khác nhau, học các ngành nghề khác nhau,…
Ngoài chương trình học chuyên môn ra, các em còn có thể tham gia rất nhiều khoá học, hoạt động ngoại khoá bổ ích khác như: các câu lạc bộ sinh viên, chương trình tình nguyện, các cuộc thi học thuật, các hoạt động nghiên cứu khoa học, các chương trình thực tập/kiến tập, các chương trình trao đổi sinh viên với các trường nước ngoài,… Tất cả những điều này thể hiện tính đa dạng và phong phú của môi trường mới này.
Không phải tất cả sinh viên Bách Khoa đều phải giống nhau, đều phải có các năng lực như nhau. Và tất nhiên, không phải tất cả sinh viên đều cần phải tham gia hết các hoạt động bổ ích này.
“Các em sẽ bị quá tải và thiếu hiệu quả nếu như không tìm được đam mê và xác định được mục tiêu phù hợp cho riêng mình. Hãy biết lắng nghe, nhưng dám khác biệt để theo đuổi đam mê và mục tiêu của mình” – PGS.TS Phong nhắn nhủ.
Thứ tư, hãy suy nghĩ về một mục tiêu lâu dài hơn ngay từ bây giờ
Ông viết: “Có lẽ rất nhiều em đang suy nghĩ học kỳ này chúng ta sẽ học ra sao? Thi cử liệu có kết quả tốt không? Có thể tốt nghiệp được Bách Khoa trong 4-5 năm tới hay không?,… Những suy nghĩ này có thể là rất thực tế, thiết thực với các em trong giai đoạn này và tất nhiên sẽ đưa các em hướng tới những mục tiêu thiết thực trước mắt. Nhưng, hãy đừng quên suy nghĩ về những mục tiêu xa hơn cho sự nghiệp của mình. Nếu sớm xác định mục tiêu phù hợp, các em sẽ xây dựng được cho mình kế hoạch, thái độ và hành vi phù hợp để đạt được mục tiêu đó”