Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, xuất khẩu nông sản cả năm 2021 khả năng đạt mục tiêu 44 tỉ USD - Ảnh: CHÍ TUỆ
Sáng 5-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo thông tin về kết quả sản xuất 9 tháng đầu năm và Kế hoạch các tháng cuối năm 2021.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết dù dịch bệnh COVID-19 phức tạp trên cả nước nhưng với những nỗ lực 9 tháng qua, ngành nông lâm thủy sản vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của kinh tế - xã hội cả nước.
"Theo Tổng cục Thống kê, giá trị gia tăng của ngành quý 4 tăng 1,04% so với quý 3 năm 2020, trong đó, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) tăng 2,83%, lâm nghiệp tăng 2,15%, thủy sản giảm 4,89%.Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,74%. Xuất khẩu khả năng đạt được mục tiêu 44 tỉ USD" - ông Tiến nhấn mạnh.
Trả lời báo chí về đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm, ông Nguyễn Văn Trọng, phó cục trưởng cục Chăn nuôi, cho biết thời gian qua chăn nuôi cực kỳ khó khăn do dịch COVID-19. Giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 16-35%, ngành này vẫn duy trì 26 triệu con heo, 55,5 triệu con gia cầm,...
Trong bối cảnh COVID-19 và giãn cách xã hội ở Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam khiến nhu cầu tiêu thụ giảm khoảng 30%, do đó dư thừa tại chuồng, đặc biệt gà công nghiệp tiêu thụ chỉ 5-10%, mặc dù hiện nay giá có tăng nhưng người dân vẫn lỗ.
Trong khi đó, giá thịt heo cũng chỉ dao động ở khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg nên người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tới đây nếu không chủ động được nguồn thực phẩm thì sẽ có những thiếu cục bộ trong quý 4-2021, dịp Tết nguyên đán và những tháng đầu năm 2022.
"Bộ sẽ làm việc và chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi chủ động tái đàn. Đồng thời chỉ đạo các tỉnh không có giãn cách xã hội duy trì và tăng chăn nuôi để hỗ trợ các tỉnh giãn cách xã hội. Thứ nữa là ngân hàng cần phải giãn nỡ, khoanh nợ, cho vay để người chăn nuôi tái đàn. Trong chăn nuôi thì cũng tăng cường sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước để giảm bớt giá thành sản xuất,... Nếu kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thì sẽ chủ động được nguồn thực phẩm trong những tháng cuối năm" - ông Trọng nói.
Nhiều khả năng EC không áp "thẻ đỏ" với thủy sản
Liên quan đến việc gỡ "thẻ vàng" EC, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết năm nay vì dịch COVID-19 nên phía Ủy ban châu Âu (EC) không sang Việt Nam kiểm tra công việc khắc phục "thẻ vàng".
Dự kiến, ngày 27-10 tới đây, phía EC sẽ họp trực tuyến với Tổng cục Thủy sản về tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
"Về cơ bản, Tổng cục Thủy sản đã có báo cáo gửi EC, trao đổi về những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam về việc gỡ 'thẻ vàng' trong năm 2021, cũng như cả quá trình suốt 4 năm gỡ 'thẻ vàng' của chúng ta. Việt Nam đã rất nỗ lực từ Trung ương đến địa phương để giải quyết việc này. Đến nay, chúng tôi nghĩ không thể bị EC nâng từ 'thẻ vàng' lên 'thẻ đỏ'. Trước mắt, hết 2021 chúng ta vẫn cố gắng duy trì ở mức 'thẻ vàng'" - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, ngày 7-9 vừa qua, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về việc gỡ "thẻ vàng" của EC. Tại cuộc họp này, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã hứa với Thủ tướng, chậm nhất đến ngày 31-12, sẽ chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm tại vùng biển nước ngoài.
"Hiện nay, các tỉnh, thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt từ cấp xã. Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu năm 2022 phải gỡ được 'thẻ vàng'. Với sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương, tôi tin 'thẻ vàng' sẽ được gỡ bỏ trong giai đoạn 2022-2023" - ông Hùng cho biết thêm.
TTO - Sau khi ngành nông nghiệp và chính quyền các tỉnh ĐBSCL vào cuộc thì giá lúa đã có nhích lên vài trăm đồng/kg. Tuy nhiên, một số nơi khác giá lúa lại có chiều hướng giảm mạnh. Còn nông dân vẫn phập phồng lo lắng khi giá lúa "nhảy múa" liên tục.